GS.TSKH Võ Đại Lược
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
2020 là một năm khó khăn, khó khăn với cả thế giới. Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong số rất ít nước tăng trưởng dương.
Việt Nam được xếp trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nằm trong top các quốc gia tăng trưởng cao nhất. Còn nhớ năm ngoái WB nói: "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam", câu này vẫn đúng trong năm nay.
Có rất nhiều lý do tạo nên kết quả này. Trước hết là do Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khống chế dịch Covid-19. Nếu không khống chế được dịch bệnh thì không thể có kết quả như thế được, hãy cứ nhớ lại quãng thời gian chúng ta cách ly vì Covid-19 thì có thể hiểu.
Cũng phải kể đến, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường đầu tư kinh doanh xã hội ổn định, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là môi trường xã hội. Đó cũng là một trong yếu tố giúp Việt Nam là địa điểm được nhắm tới nhiều trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Những quốc gia kiểm soát dịch tốt như Việt Nam là đếm trên đầu ngón tay. Thành công lớn nhất của Việt Nam là dập dịch tốt mà thế giới đã công nhận.
Đến nay, trong khi các nước phát triển đang tiếp tục phong tỏa, đóng cửa nhà hàng thì Việt Nam mọi hoạt động đi lại trong nước gần như bình thường, chỉ có chưa thể mở cửa để khách quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên khiêm tốn, có những đánh giá đúng mực về mức độ phát triển kinh tế, càng không nên chủ quan trước đại dịch. Thực sự rất nguy hiểm nếu chúng ta chủ quan, tự mãn.
Nhìn lại, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có những tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, chứ không chỉ như vậy. Ví dụ, chúng ta ký nhiều FTA trên thế giới nhưng một điều đáng buồn thị trường những nước đó chúng ta chưa tận dụng được nhiều.
Các doanh nghiệp FDI họ tận dụng tốt hơn. Khối doanh nghiệp tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn chưa phát triển đúng tầm.
Làm sao có thể tận dụng được tất cả những lợi thế chúng ta tạo ra là điều tôi trăn trở.
Một số tổ chức thế giới đã nhận định Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% năm 2021. Điều đó tôi nghĩ có khả thi và có thể cao hơn. Nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, thêm vào đó chúng ta khai thác hết tiềm năng lợi thế hiện nay, sức bật thực sự không nhỏ.
Hãy tiếp tục tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hỗ trợ thật tốt hơn nữa để cho họ phát triển, tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ hơn, để cho tư nhân họ làm những gì họ có thể làm. Những vấn đề này đều có chủ trương rồi, thực hiện tốt nữa thôi! Tôi tin rằng tăng trưởng sẽ không dừng lại ở 6,8% nếu chúng ta làm tốt điều đó.
Ngoài những vấn đề căn cơ của nền kinh tế thì một điều sẽ quyết định rất lớn cho năm mới, đó là Covid-19. Hiện nay tất cả hy vọng đang trông chờ vào hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 ra sao và sau đó tốc độ cung cấp cho các nước như thế nào. Chúng ta cùng kỳ vọng tương lai kinh tế Việt Nam cũng như thế giới bớt ảm đạm khi vắc xin hiệu quả.
Bên cạnh đó, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI, nếu chúng ta muốn tạo ra nội lực, muốn hưởng lợi thực sự thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay.
Tính chung trong năm 2020, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 34,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 15,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp xuất siêu gần 19 tỷ USD.
Dù tăng trưởng cao nhưng nếu chúng ta quá lệ thuộc vào FDI thì tăng trưởng đó mang lại lợi ích không tương xứng. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI với những mục tiêu đúng đắn, rõ ràng. Quan trọng bây giờ vẫn là sự thực hiện. Vì lợi ích chung của đất nước, các địa phương đừng thu hút FDI vô tội vạ!
Về vấn đề bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ, tôi khẳng định là Việt Nam không thao túng tiền tệ. Theo tiêu chuẩn Mỹ thì Việt Nam như thế. Nhưng những tiêu chuẩn này không hoàn toàn thích đáng.
Việt Nam xuất siêu vào Mỹ. Nhưng hãy thử xem, một đôi giày được gia công ở Việt Nam, Việt Nam chỉ tham gia khâu gia công, doanh nghiệp Mỹ nắm 2 khâu mẫu mã thiết kế, phân phối - 2 khâu quan trọng, kiếm nhiều lợi nhuận nhất.
Hay khi các nước cần nhập khẩu các thiết bị và hàng tiêu dùng y tế để phục vụ công tác chống dịch, ứng phó dịch, Việt Nam cũng nằm trong số ít nước có thể đáp ứng được nhu cầu.
Nên có nhiều thứ cần được xem xét lại. Nhìn chung, chúng ta cần có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, thích ứng với bối cảnh thế giới, không thả nổi nhưng đừng cứng nhắc trong năm tới.