Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam
Vì vậy, tư duy thông thường là cần phải giãn dân ở các đô thị và khu trung tâm cùng với việc phát triển các đô thị vệ tinh và giữ người dân ở lại nông thôn. Đây là chính sách chủ đạo của Việt Nam trong thời gian qua.
Nếu cách nghĩ giãn dân là đúng thì làm gì có xu hướng người dân bỏ quê ra phố và cấu trúc xã hội hiện tại là tối ưu.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy mà là ngược lại. Các lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng sở dĩ có việc hình thành các đô thị và việc tập trung dân cư là nhờ lợi thế tích tụ (agglomeration economies) mà ở đó nó sẽ giúp gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu các chi phí.
Do vậy, chính sách phát triển đô thị hợp lý nên là tập trung vào trung tâm của các đô thị trung tâm. Nói một cách cụ thể, nguồn lực nên được tập trung để xây dựng bằng được các hệ thống hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống giao thông công cộng công suất lớn.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên được dành đủ nguồn lực để có thể phát huy được lợi thế nhằm cạnh tranh với các đô thị khác trong vùng và trên thế giới trong cuộc đua thu hút các doanh nghiệp để tổ chức hoạt động kinh doanh, người có khả năng đến làm việc và người khá giả đến ở.
Tóm lại, lời giải cho bài toán tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) của Việt Nam nằm ở các thành phố chứ không phải ở nông thôn. Đây là thực tế xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, Việt Nam cần hiểu được các quy luật chung và tìm cách để nền kinh tế và xã hội phát triển thuận xu hướng chứ không phải là làm ngược lại.