Ông Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện CIEM
Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký 30 con dấu khác nhau.
Tôi biết một ông Chủ tịch tỉnh, một ngày phải làm kịch liệt, ký nhiều nhưng cũng chỉ 30 doanh nghiệp mà thôi. Đấy là bản thân vị chủ tịch đó “tốt”. Còn nếu họ có vấn đề thì doanh nghiệp rất mệt. Doanh nghiệp muốn thành lập, phải có chữ ký, con dấu mà có con dấu, chữ ký phải xin xỏ, phải có gì bôi trơn… Chi phí thành lập doanh nghiệp tốn thời gian và số tiền vô cùng lớn.
Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời 3 tháng, chưa thấy tỉnh nào động tĩnh gì, chúng tôi đi hỏi thì được biết, vướng mắc chính là ở các tỉnh, chưa hiểu, chưa biết Luật.
Ngày ấy, có chị là lãnh đạo Bắc Giang nói tôi là Chủ tịch tỉnh nên biết doanh nghiệp nào tốt và cho họ thành lập, còn không tốt thì không cho thành lập. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại đạo luật nào cho chị quyền cấp phép như vậy, chị đó ngồi im.
Cũng tương tự, chủ tịch tỉnh Khánh Hoà thấy địa phương nhiều khách sạn quá nên cấm xây khách sạn. Tôi bảo: “Ông căn cứ vào đâu để cấm, nếu cấm xây khách sạn, các khách sạn cũ giữ giá thì anh xử lý sao, có lợi ích nhóm không?”. Sau đó ông ấy bỏ quy định đó.
Hay việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định, doanh nghiệp không được đóng xà lan 2.000 tấn. Nhưng chúng tôi về Nam Định, thấy dân họ đóng 5.000 tấn... làm được vậy thì phải có rất nhiều phí bôi trơn.
Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời mà không có động tĩnh gì từ các địa phương, tôi cùng nhiều người đã báo cáo anh Trần Đức Nguyên, lúc đó là Thư ký của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đề xuất thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp. Khi Tổ này được lập ra, những vấn đề mới được giải quyết.