Fica
  1. Góc nhìn

Kỳ lạ kinh tế

Nguyễn Hồng Điệp
Nguyễn Hồng Điệp

Cá nhân tôi có niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế. Mà một khi kinh tế không đổ vỡ, thì bất động sản, chứng khoán, kinh doanh sẽ sống.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Thế giới chúng ta đang sống đã từng trải qua những cuộc khủng hoảng, những đại dịch, nạn đói, chiến tranh, ... Tất cả đều là bài học cho chúng ta. Tuy nhiên, con người thường chỉ nhớ ở khía cạnh hậu quả để lại, mà rất ít khi suy nghĩ về cách ứng xử khi khủng hoảng xảy ra.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất thường được nhắc đến là 1930, 1997, 2008. Mỗi cuộc khủng hoảng, đều mang lại những hệ lụy trầm trọng và kéo dài tương đối lâu. Covid-19 là tác nhân gây ra những vấn đề có thể làm kinh tế suy thoái. Không thể phủ nhận sự mất mát, gãy đổ, trong các hoạt động kinh tế.

Có rất nhiều bài viết có chất lượng cao, đã phân tích và dự báo những tác động của dịch lệ. Tôi không tổng kết ở đây nữa. Tôi cũng không đưa ra nhận định lạc quan hay bi quan về viễn cảnh kinh tế thế giới. Tôi chỉ xin nhận xét và chỉ ra những điểm kỳ lạ của kinh tế trong cuộc khủng hoảng này.

  1. Chuỗi cung ứng toàn cầu: đây là điểm mấu chốt nhiều chuyên gia lo ngại. Nhưng thực sự có sự đứt gãy hay không? Theo tôi là gần như không nhận ra. Sự gián đoạn là rất ngắn, Thế giới đã quá giỏi trong việc dùng "keo con voi" để nối lại với thời gian ngắn kỷ lục.
  2. Đình trệ sản xuất, thiếu hàng hóa, lạm phát tăng cao: tất cả những bóng ma này chưa thấy xuất hiện. Cho dù nhiều doanh nghiệp có gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng nhìn rộng ra, từ Việt Nam cho đến thế giới, nạn đói kém, tình cảnh bi đát, rất hiếm gặp.
  3. Các thị trường cấu thành nền kinh tế như lao động, tài chính, bất động sản, đều không hề có dấu hiệu hoảng loạn. Trong một bộ phận nào đó, có thể xảy ra việc sa thải nhân công, có thể xảy ra việc đóng băng đất đai, bán tháo chứng khoán, nhưng những việc này quá ngắn, và không lan rộng.
  4. Nguồn lực: thật kỳ lạ, đã tưởng dịch lệ lần này sẽ đánh gục những nguồn lực vốn rất mỏng manh của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng không, thật tự hào khi Việt Nam đứng vũng, không chỉ đứng, mà còn mạnh mẽ tiến lên. Không chỉ nguồn lực về tài nguyên, con người, mà dư địa tăng thêm nguồn lực xã hội vẫn còn.
  5. Tăng trưởng: dù rất nhiều dự báo về bức tranh xám xịt của tăng trưởng GDP toàn cầu, nào là âm mấy chục %, nhưng điều này chưa chắc đã trở thành hiện thực. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2020. Nếu như vậy, khủng hoảng ở đâu? Dòng lưu chuyển thu nhập và dòng lưu chuyển sản xuất vẫn đang được vận hành tốt.

Có nhiều chữ cái để thể hiện về kinh tế năm 2020. Nào là V, L, U, W, hay dấu tick, dấu căn, ... Chọn chữ nào là việc của mỗi người. Tuy vậy, chúng ta sẽ được thấy những điều kỳ lạ của kinh tế diễn ra, không giống bất kỳ điều gì đã xảy ra trong quá khứ. Còn mấu chốt vấn đề là tại sao lại như vậy. Theo tôi có lẽ là do thế giới đã học được nhiều bài học đau đớn từ quá khứ, cách ứng xử lần này rất nhanh, quyết liệt và đồng thuận. Bơm tiền là giải pháp chủ đạo trên toàn thế giới. Bơm không sợ lạm phát, bơm để kích thích cung cầu, bơm để chống lại suy thoái. Còn giải quyết hệ quả của việc bơm này, chúng ta hãy tiếp tục theo dõi.

Cá nhân tôi có niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế. Mà một khi kinh tế không đổ vỡ, thì bất động sản, chứng khoán, kinh doanh, sẽ sống. Nhu cầu lại tăng, bánh xe lại quay. Nếu coi chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, thì cơn sóng này không dễ gì kết thúc ở đây.