Fica
  1. Góc nhìn

Kinh tế 2019 không quá tươi sáng

Vũ Thành Tự Anh
Vũ Thành Tự Anh

Tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện nay không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, tình trạng này đã xảy ra 6 năm qua. Do đó, chúng ta luôn phải phát hành nợ mới để có thể duy trì được sự thâm hụt này.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright

Hành động "chữa cháy" này mang lại một loạt hệ quả: Làm cho tổng nợ tăng lên, lãi suất trên thị trường chịu sức ép lớn và thâm hụt ngân sách tăng lên. Tình trạng này đang gây ra một sức ép vô cùng to lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Nếu không có được không gian tài khoá, nền kinh tế Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn và nếu chúng ta cứ cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng vượt qua mức tiềm năng, sẽ tạo ra sự đứt gãy như đã từng chứng kiến trong năm 2007 – 2008. Hậu quả của sự cạn kiệt không gian tài khoá rất nghiêm trọng: tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, sức ép tăng thuế. 

Năm nay là năm Bộ Tài chính có rất nhiều “sáng kiến” tăng thuế: đầu năm là tăng VAT, sau đó là thuế xăng dầu, sau đó một loạt các loại thuế… Việc thuế chồng thuế và phí chồng phí đang làm cho người dân hết sức bức xúc! 

Các địa phương tự chủ ngân sách phải tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, tiêu biểu như TP. HCM, tỷ lệ điều tiết hơn 10 năm trước khoảng 33%, sau đó xuống 29%, 26%, 23% và gần đây xuống còn 18%. Tức là, TP. HCM đóng thuế về Trung ương là 82%, chỉ còn giữ lại 18%. Vì Trung ương thiếu tiền nên phải lấy từ các thành phố lớn và địa phương càng thành công thì càng chịu thiệt.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam đang dựa nhiều vào tín dụng và khu vực FDI. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam luôn phải dựa vào những ông lớn FDI như Samsung mới đạt được, không có các tập đoàn này thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại. Thực trạng này của nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có.

Các nút thắt của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên, đó là chính sách, cơ sở hạ tầng và bây giờ thêm một nút thắt cực lớn nữa là về khoa học công nghệ và tư duy công nghệ. Điều này thể hiện một cách "buồn cười" qua cuộc chiến giữa Grab và Vinasun. 

Khi “con trâu” đi kiện “máy cày” - vì sao anh khiến tôi thất nghiệp là hết sức vô lý vì đấy là tiến hoá bình thường của nhân loại! Logic bình thường: “con trâu” sẽ không bao giờ đi kiện “máy cày” và “máy cày” nó cũng không thèm để ý đến “con trâu”. Nhưng, khổ nổi câu chuyện “con trâu” đi kiện “máy cày” đang diễn ra ở Việt Nam cuối cùng là “máy cày” thua!

Đây là một tư duy cực kỳ nguy hiểm, với tư duy như vậy, công nghệ không thể nào phát triển, tương tự như thế với rất nhiều đạo luật gần đây mà tôi quan sát, cũng không trợ lực cho việc phát triển công nghệ. 

Về động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, quan trọng nhất vẫn là cải cách về thể chế. Về cải cách thể chế, nếu nói chung chung thì dễ nhưng cụ thể cải cách cái gì ở thể chế thì rất khó.

Quay trở lại vấn đề đầu tiên, muốn phát triển thì phải làm sao thay đổi được tư duy của chúng ta, để những tư duy cũ không trói buộc, không khiến cho chúng ta đi vào những lối mòn làm Việt Nam rơi vào tình trạng ‘kẹt trong bẫy thu nhập trung bình” – điều mà nhiều báo đài hay nhắc đến.

Thêm một nhiệm vụ nữa, Nhà nước phải phát triển kinh tế tư nhân. Cách đây 15 năm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chiếm khoảng 9% GDP và đến thời điểm này, khu vực này cũng vẫn chỉ chiếm gần 9% GDP; mọi chuyện chẳng có gì thay đổi cả mặc dù doanh nghiệp tăng lên rất nhiều với gần 600.000 doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.

Rõ ràng, chúng ta phải nhìn lại những biện pháp giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, rằng đó đã hiệu quả chưa hay thậm chí trên nhiều khía cạnh khác nó còn đi thụt lùi và bị phân biệt đối xử.

Đối với các hiệp định thương mại, ký kết thì tốt nhưng hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn chuyện chớp được cơ hội hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ký với ASEAN xong thì thâm hụt thương mại toàn diện với ASEAN, chúng ta cứ ký với ai/khu vực nào xong thì lại thâm hụt thương mại với nước và khu vực đấy!

Nguyên do là bởi năng lực của chúng ta không được chuẩn bị một cách đầy đủ, giống kiểu “bị trói chân tay rồi thả xuống bể bắt bơi thì sao mà bơi được". Không ai phản đối hội nhập nhưng hội nhập làm sao chúng ta phải duy trì được năng lực cạnh tranh đồng thời giữ vững năng lực và chớp cơ hội, đây là bài toán khó hơn rất nhiều so với bài toán đi ký kết. Ký kết các hiệp định không khó, thực hiện nó có hiệu quả mới khó!

Cuối cùng là vấn đề đô thị, nếu như cách đây 10 năm, tổng 5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp 35 - 36% GDP của cả nước thì sau 10 năm con số đó cũng không có nhiều thay đổi. Tại sao lại như thế? Tại vì tốc độ tăng trưởng các địa phương đầu tàu đó không vượt hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. 

Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho những đô thị này để tạo ra động lực kéo cả nền kinh tế phát triển, vì cạnh tranh ở thế kỷ 21, về cơ bản là cạnh tranh giữa các đô thị lớn.

Cách mạng công nghệ mới sẽ diễn ra ở đô thị, bởi vì ở đây có cơ sở hạ tầng, dòng tài chính, nhân lực chất lượng. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng đô thị của chúng ta ở thời điểm này quá tệ: ngập nước, ô nhiễm, quá tải…. với rất nhiều vấn đề mà lại không được đầu tư giải quyết một cách thích đáng, cần có những giải pháp về chính sách.