Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của các cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải
Tôi nghĩ doanh nghiệp lớn hay nhỏ hiện nay, khó khăn như nhau không nên phân biệt lớn thì được ưu đãi chính sách riêng mà cần một chính sách làm sao để mọi doanh nghiệp họ thấy lợi ích của mình trong đó.
Hiện, giải pháp trước mắt Chính phủ chỉ có thể gia hạn tiền thuế, yêu cầu các ngân hàng giãn, hoãn lãi suất, còn không có gì hơn. Về lâu dài, nhiệm vụ vẫn là cải cách thủ tục hành chính, cần làm nhanh hơn, mạnh hơn để cùng chung sức với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Lúc này là lúc doanh nghiệp cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, của bộ ngành và địa phương, không phải là lúc sợ hãi, do dự vào làm gì và làm như thế nào.
Tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam và dự trữ của mình thấp, nên khi bị dư chấn có thể bị nặng hơn. Tuy nhiên, ngay từ đầu đến giờ, Chính phủ đã xử lý rất tốt bệnh dịch, ưu tiên hàng đầu là chống dịch, cố gắng bằng giữ tăng trưởng bằng nhiều biện pháp.
Ảnh hưởng doanh nghiệp là điều không mong muốn, một loạt các ngành như du lịch, giao thông, cùng hàng triệu người kinh doanh nhỏ lẻ cũng chịu ảnh hưởng.
Chính phủ có chủ trương rất tốt rồi, còn bây giờ phải làm thế nào cho trúng và đúng cần hỗ trợ, không cào bằng, không bỏ quên hộ sản xuất kinh doanh.
Các hộ sản xuất kinh doanh bé, không có nhiều nguồn lực, khó tiếp cận vốn, chính sách nên có khi bão nhỏ họ đã chết rồi, còn các doanh nghiệp lớn có lẽ chống chịu tốt hơn.
Các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nhất là những nơi sống dựa vào chuỗi giá trị cung ứng cho du lịch, cung ứng hàng hoá, thực phẩm cho nhà máy, xí nghiệp, công nhân... có thể sụp đổ hàng loạt nếu doanh nghiệp lớn khó khăn, tạm ngừng đóng cửa hoặc phá sản bởi Covid-19.
Tôi nhớ, năm ngoái Việt Nam có chính sách thống kê doanh nghiệp chưa được quan sát với thông điệp thống kê để hỗ trợ họ, giúp đỡ họ phát triển chứ không phải là bắt họ lên doanh nghiệp để thu thuế.
Với điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, đây là cơ hội để chúng ta thực hiện phương châm thống kê - hỗ trợ của Nhà nước. Đây là lúc các cơ quan Nhà nước cần tỏ rõ thái độ và mục đích của mình.
Bộ Tài chính vừa dự kiến giảm hơn 30.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3 cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng có gói hỗ trợ hơn 250.000 tỷ đồng (10,8 tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chuyện tung ra gói kích thích kinh tế cũng có thể làm nhưng theo tôi thời điểm này cần rất chọn lọc, đúng chỗ. Vì tung lượng cung tiền ra quá lớn, trong khi chúng ta chưa đánh giá được rõ các thiệt hại, bản chất của khó khăn nơi doanh nghiệp, đúng đối tượng và mục tiêu của gói kích thích sẽ khiến rủi ro lớn về dài hạn
Hãy nhìn vào gói kích cầu năm 2009 của Việt Nam sau khi thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính để rút kinh nghiệm. Sau khi gói kích cầu được đưa ra, hệ quả lạm phát, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam 5-7 năm sau mới khắc phục được.
Về danh thì cho là kích cầu kinh tế nhưng trên thực tế tiền được nhảy hết vào bất động sản, chứng khoán. Dư cung tiền quá lớn khiến bất động sản, chứng khoán xuất hiện bong bóng, sóng và nơi trú ngụ của người có tiền. Thị trường nhà đất bị thổi bùng về mức giá, bong bóng bất động sản, chứng khoán liên tục đe doạ nền kinh tế và nếu không có cách biện pháp “bắt nhốt” nợ xấu, nền kinh tế đã rơi vào hỗn loạn.
Tuy nhiên, hệ quả của gói kích thích này vẫn còn in đậm cho đến ngày này, thị trường chứng khoán mất điểm, bất động sản tăng giá phi mã, lãi suất tăng cao.
Tôi nghĩ các ngân hàng hiện nay được lệnh khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cũng là rất cần, lãi suất hiện nay vẫn quá cao, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.