Đinh Tuấn Minh
Chuyên gia kinh tế
Trong điều kiện bình thường, khẩu trang (và các chất tẩy rửa, sát trùng khác) là một hàng hóa tư tương đối thuần khiết. Tùy điều kiện sức khỏe, môi trường sống ai có nhu cầu tự bảo vệ mình trách bị lây nhiễm từ môi trường xung quanh thì mua và sử dụng.
Nhưng khi xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm như dịch virus corona (nCov) như hiện nay khẩu trang trở thành hàng hóa có tính công ích cao. Một người nào đó tương tác với cộng đồng nếu không đeo khẩu trang có thể bị nhiễm bệnh và/hoặc truyền bệnh cho những người xung quanh. Tính chất không xung đột lợi ích đối với việc sử dụng khẩu trang bị triệt giảm.
Thêm nữa, khi dịch bệnh xảy ra, vấn đề bất đối xứng thông tin giữa các cá nhân trở nên nghiêm trọng. Không ai biết bản thân mình hoặc những người xung quanh mình có bị dịch bệnh hay không. Điều này khiến cho chi phí giao dịch trong xã hội đột nhiên tăng vọt, có thể khiến cho mọi tương tác trong xã hội có nguy cơ bị ngừng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng để sự phát triển kinh tế.
Vì lẽ đó, đặc tính công ích của khẩu trang lại được nhân cao hơn.
Tuy nhiên, khẩu trang vẫn chỉ là một hàng hóa bán công ích do tính chất có khả năng loại trừ của nó. Vì thế, các chính sách kinh tế với mặt hàng khẩu trang vẫn cần phải tôn trọng thuộc tính này để đảm bảo việc sử dụng khẩu trang không bị lãng phí, đúng người, đúng chỗ. Tùy theo nhu cầu và giá khẩu trang, mọi người có thể chọn giải pháp ở nhà, hạn chế ra các nơi công cộng để giảm chi phí.
Với các lập luận như vậy, tôi đề nghị Chính phủ và cộng đồng áp dụng ngay các chính sách sau đây:
1. Phối hợp với các công ty bán lẻ như Điện máy xanh, Vinmart, BigC… thành lập một LIÊN MINH PHÂN PHỐI để can thiệp giá.
2. Tuy nhiên, chính phủ KHÔNG CAN THIẾP GIÁ với các cửa hàng bán lẻ, các hiệu thuốc. Khi có sự can thiệp giá của LIÊN MINH PHÂN PHỐI, các cửa hàng bán lẻ sẽ nhìn theo để thiết lập mức giá phù hợp với khu vực xung quanh của mình, nhờ đó đảm bảo mọi người dân khi cần đều có thể tiếp cận được các loại hàng hóa này với giá phải chăng.
3. Liên minh phân phối này sẽ thiết lập một mức giá khẩu trang thử nghiệm, tôi giả sử ở mức cao gấp 2 hoặc 3 lần mức giá bình thường. Việc thiết lập một mức giá can thiệp cao hơn là RẤTCẦN THIẾT để đảm bảo rằng xã hội trả đúng lợi ích cận biên mà khẩu trang mang lại cho xã hội.
Nếu dịch bệnh càng nguy hiểm thì mức giá can thiệp sẽ càng phải được nâng cao hơn.
Mức giá như vậy cũng sẽ đảm bảo người sử dụng tiết kiệm khẩu trang khi sử dụng.
Nó cũng đảm bảo là nguồn cung không bị đứt đoạn.
4. Chính phủ cùng liên minh phân phối này đặt hàng ngay các doanh nghiệp có khả năng sản xuất khẩu trang. Nhà nước sẽ tài trợ vốn và trợ cấp cho các doanh nghiệp các chi phí đột biến liên quan đến mở rộng sản xuất, tăng nhân công, chi phí nguyên vật liệu v.v.
Chính phủ cần đảm bảo với dân chúng rằng nguồn cung sẽ không bao giờ bị đứt quãng.
5. Để trở cấp, Chính phủ cần thành lập ngay một quỹ tài trợ vốn khẩn cấp. Ngoài ngân sách nhà nước, chính phủ cần kêu gọi cộng đồng đóng góp. Quỹ này cần được quản lý minh bạch để thu hút sự đóng góp của cộng đồng.
6. Chính phủ có thể dùng quỹ này để chi phí cho các hoạt động truyền thông cộng đồng, giúp giảm bất đối xứng thông tin.
7. LIÊN MINH PHÂN PHỐI và Quỹ tài trợ sẽ chấm dứt hoạt động sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Nếu các giải pháp này được thực thi, tôi tin rằng niềm tin trong xã hội sẽ tăng. Mọi hoạt động, sinh hoạt trong cộng đồng sẽ diễn ra bình thường, và nền kinh tế cẫn có cơ hội phát triển tốt theo các nguyên tắc của thị trường.