Fica

Huy động 60 tỷ USD trong dân thế nào?

Nguyễn Duy Hưng
Nguyễn Duy Hưng

Bất cứ Quốc gia nào cũng đều phải có chiến lược huy động nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI

Việt Nam không là ngoại lệ, nên việc xây dựng một đề án khả thi để người dân sẵn sàng tự nguyện mang tích luỹ của mình tham gia vào nền kinh tế thay vì hiện đang giữ bằng vàng hay ngoại tệ là rất cần thiết. 

Tuy nhiên thành công hay thất bại phụ thuộc huy động theo nguyên tắc nào?

Nền kinh tế Việt nam đã có những thành công rõ ràng cả về các chỉ số tăng trưởng lẫn chất lượng tăng trưởng trong thời gian qua, kể từ khi Chính phủ để các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực đầu tư. Chính phủ chỉ định hướng thông qua xây dựng chính sách chứ không trực tiếp huy động và phân bổ nguồn lực.

Nếu tiếp tục nguyên tắc của Chính phủ kiến tạo, để các thành phần kinh tế trực tiếp dùng hiệu quả làm nền tảng để huy động, thì chắc chắn người dân sẽ từng bước tự nguyện chuyển dần số vốn 60 tỷ đô nhàn rỗi trong dân vào nền kinh tế.

Khi ấy cả nền kinh tế, cả doanh nghiệp và cả người dân đều có lợi. Đề án chắc chắn thành công vì bản chất của đề án được xây dựng dựa trên quyển lợi của tất cả các bên tham gia.

Nếu đề án xây dựng dựa trên nguyên tắc cũ, tức là Chính phủ huy động nguồn lực trong dân và trực tiếp phân bổ nguồn lực vào các dự án thì sẽ rất khó thành công. 

Một nguyên lý rất cơ bản khi xây dựng chính sách là đặt chính mình vào vị trí của đối tượng được nhắm tới, nếu mình thấy sẵn sàng tham gia thì chắc chắn sẽ thành công còn nếu mình không tham gia thì nên cân nhắc lại. Ở những doanh nghiệp nơi tôi làm lãnh đạo chúng tôi áp dụng nguyên tắc “Chỉ bán ra những sản phẩm khi chúng tôi cũng sẵn sàng mua sản phẩm ấy”