GS Đăng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT
Trước tình trạng các khu nhà tái định cư bị người dân “quay lưng”, một phần nguyên nhân nằm ở chỗ, chất lượng của các khu tái định cư quá kém. Rất nhiều khu tái định cư, chỉ cần sau 2 năm không có người đến ở là có thể thấy cơ sở vật chất, hạ tầng đều xuống cấp.
Chất lượng nước, điện, thang máy, phòng cháy chữa cháy cũng không đảm bảo. Dẫn đến chuyện nhiều khu tái định cư, kể cả nằm ở vị trí vàng, nhưng người dân vẫn không muốn ở.
Chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng. Song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề. Theo chủ trương của Nhà nước và luật pháp, nơi tái định cư phải có trước khi tiến hành thu hồi đất ở. Nhưng chúng ta lại đang làm ngược với quy trình này.
Tái định cư của chúng ta đều xây theo kiểu tái định cư tập trung, thường là chung cư cao tầng. Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết tái định cư thường là những người có thu nhập thấp. Họ cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc đưa họ vào chung cư sẽ không giúp họ giải quyết được vấn đề kinh tế. Đây là một trong những lý do chính của việc nhà tái định cư bị người dân “quay lưng”.
Chúng ta đã mắc không ít sai lầm về việc giải quyết tái định cư trên cả nước, không riêng gì Hà Nội. Lấy ví dụ về trường hợp giải quyết tái định cư cho người dân tại địa bàn thủy điện Sơn La. Cơ quan chức năng xây nhà theo kiểu phố cho người dân ở, chúng ta tự thấy rằng nhà như thế là đẹp. Thế nhưng, người dân không cần những thứ đó, điều họ cần là một cộng đồng thôn bản, cần một cộng đồng để gắn bó với đồng ruộng, chứ không phải nhà mặt phố, tiện nghi, đẹp đẽ.
Giải quyết tái định cư là phải đưa ra những phương thức tái định cư phù hợp với sinh kế, thu nhập, công việc của những người đang được giải quyết tái định cư. Nhưng cơ quan chức năng chỉ biết, người dân có chỗ ở, mỗi người bao nhiêu m2, coi như là xong việc.
TP Hà Nội đã có riêng một ban về bồi thường tái định cư, nên khi tình trạng này xảy ra, về mặt thực hiện thì lỗi rõ ràng là thuộc về ban này. Bởi ban này được lập ra để chủ trì mọi việc trong xây dựng các khu tái định cư và giải quyết tái định cư.
Cao hơn thì phải kể đến trách nhiệm của UBND Hà Nội và đơn vị giúp việc cho thành phố là Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều khu tái định cư đã bị bỏ hoang, và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Đáng lý ra, TP Hà Nội nhìn thấy bất cập đó thì phải có sự điều chỉnh cách thức giải quyết tái định cư ở Hà Nội, chứ không phải là cứ tiếp tục xây nhà tái định cư dù biết “ế ẩm”.
Khi nhiều người dân còn đang phải tìm kiếm công việc thông qua kinh tế hộ gia đình, chúng ta cần giải quyết tái định cư theo một cách khác, chứ không phải nhất thiết toàn bộ nhà tái định cư phải là chung cư.
TP Hà Nội cần phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu người dân bị thu hồi đất ở, để biết được đời sống của họ như thế nào, kinh tế của họ phụ thuộc vào đâu, họ có mong muốn nguyện vọng gì, họ muốn tái định cư như thế nào.
Tôi cho rằng xây dựng tái định cư là công việc cần dày công nghiên cứu. Nếu tiến hành tái định cư thì phải tiến hành như thế nào để đảm bảo đời sống, thu nhập, sinh kế của người dân. TP Hà Nội nên tạm dừng việc xây các khu tái định cư như hiện nay để có những nghiên cứu cụ thể.