Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao
Huân là người đã mang tâm huyết về xây dựng hệ thống số cho Trung Nguyên và sau 2 năm, đã ra đi. Nói chuyện một hồi, Huân hỏi, bè bạn đang làm ở TN nói là ông Vũ vẫn điều hành công việc hàng ngày sao họ nói gì mà lên núi mất biệt 5 năm không gặp? Tôi gật đầu im lặng trước ý kiến khách quan của Huân.
Chiều, tôi nhận được điện thoại anh bạn là thầy giáo dạy môn Pháp lý kinh doanh ở một đại học Singapore. Anh trả lời tôi một câu hỏi hôm trước về vụ Vinacap-Ba Huân, bỗng anh đùa: “Các doanh nhân Việt Nam thích kêu cứu Thủ tướng nhỉ? Từ chuyện bà Ba Huân, tôi tự hỏi, vụ kiện chuyển giao cổ phần trái phép của Trung Nguyên International, liệu sau khi tòa Singapore xử tiếp thì bà Thảo có kêu cứu Thủ tướng Lý Hiển Long không đây?”. Anh nhắn cho tôi một đường link của vụ kiện của Trung Nguyên Singapore. Được dịp cuối tuần nhiều thời gian hơn, tôi cũng lần mò đọc tài liệu vụ kiện.
Cả một chuỗi hành động, sự kiện diễn ra liên tiếp trong năm 2015, qua tài liệu của tòa, hiện lên. Và trí nhớ nhắc tôi một câu chuyện rất buồn năm 2016 mà tôi từng không muốn nhắc tới.
Chuyện thế này. Chiều ngày nhà báo Việt Nam 21/6/2015, tôi đến văn phòng TN bàn một chương trình hợp tác giao lưu với sinh viên Daklak, thì xảy ra một chuyện lạ. Ông Vũ có hẹn nhưng bận đột xuất nên tôi họp với người khác . Khi xong việc thì mới nghe về sự tình đang diễn ra: Buổi sáng, ông Vũ, Tổng giám đốc nhận được một lẵng hoa gửi tới với nội dung "Em và các con gửi tới anh nhân Ngày của cha". Buổi chiều, ngay trước giờ họp, ông Vũ nhận được một văn bản từ Toà án yêu cầu ông "đi giám định tâm thần" theo yêu cầu của người vợ. Hoa mừng ngày của cha và trát tòa về bệnh tâm thần. Cùng một ngày và từ cùng một người. Ông không bị tâm thần nhưng chắc chắn phải...bần thần!
Còn đây là số liệu trích từ tài liệu tòa án: Tháng 4/2015, bà Thảo bị bãi nhiệm Phó TGĐ Trung Nguyên; Tháng 6/2015, bà yêu cầu Tòa án buộc ông Vũ đi giám định tâm thần.
Và tháng 7, xảy ra vụ việc mấu chốt dẫn tới vụ kiện ra tòa Singapore. Theo đơn kiện của ông Vũ, đã có giả mạo chữ ký của ông để chuyển giao trái phép con số hơn 7.500.000 cổ phần của ông Vũ tại CT Trung Nguyên international qua cho bà Thảo (tài liệu của tòa còn dự đoán là việc giả chữ ký được thực hiện từ ngày 8 đến 10/7/2015).
Vụ kiện có nhiều chỗ liên quan vụ xử lý hôn của tòa Việt Nam nên đang chờ sẽ xét xử tiếp. Phần kết luận, điều 50 có ghi: để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn, Tòa đã ban một lệnh tạm thời hạn chế bà Thảo trong việc xử lý cổ phần của mình cho đến khi có kết quả tố tụng tại Việt Nam.
Tháng 10/2015, bà Thảo đệ đơn ly hôn (vậy là vụ chuyển giao trái phép cổ phần diễn ra tháng 7, khi hai bên đang là vợ chồng, chưa làm thủ tục ly hôn). Đến ngày 26/11/2015 ông Vũ mới biết vụ việc và khởi kiện ở tòa Singapore. Tài liệu của tòa Singapore cũng ghi nhận, ngày 16/10/ 2015 bà Thảo và một số người có đến trụ sở TN chiếm 15 con dấu của Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) và các công ty con.
Từ đó đến nay, với kinh nghiệm làm công việc hỗ trợ doanh nghiệp và cũng có một số bạn bè đang làm ở Trung Nguyên, tôi hiểu TNG (Trung Nguyên group) gặp không ít khó khăn, căng thẳng, cả mệt mỏi, vì những vụ tranh chấp liên miên.
Thử hình dung, một thành viên HĐQT một công ty, đang tranh chấp tài sản công ty, lại lập ra một công ty khác, kinh doanh cùng ngảnh nghề, tên cũng tương tự và tất cả nhận diện tương tự.
Tôi không phải luật sư nhưng nhìn qua là hiểu: việc lập TNI và sản xuất kinh doanh sản phẩm “TNI King Coffee” có cùng công thức và có lúc sử dụng hệ thống phân phối lâu nay của TNG để kinh doanh chính là xâm phạm bí mật kinh doanh (công thức chế biến) và cạnh tranh không lành mạnh.
Nhãn hiệu TNI có những dấu hiệu rất dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm cà phê của TNG (chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, màu sắc tương tự TNG) là có vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu. Và gần đây, bà Thảo thường xuyên đăng thông tin là TNG bị thao túng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của TNG và đến hoạt động kinh doanh của TNG.
Tôi nhớ có cái Tết cách đây hai hay ba năm, các bạn bộ phận sản xuất của TN chạy tứ tán tìm mua loại máy nhỏ sản xuất cà phê để bán mùa Tết cho đại lý vi hợp đồng ký rồi mà nhà máy bị niêm phong theo yêu cầu bà Thảo “áp dụng biện pháp ngăn chận khẩn cấp” .
Công ty thành lập từ 1996 với 3 thành viên sáng lập: ba, mẹ và ông Vũ, tới 1998 bà Thảo mới về làm dâu và tới 2006 công ty cổ phần mới thành lập và bà Thảo mới chính thức tham gia điều hành.
Cho rằng tình hình thật tệ, gào lên kêu cứu là công ty bị thao túng, TGĐ bị tâm thần...phải chăng là quá bất công, quá tội cho những thành viên đồng sáng lập từ đầu và cả cho 5.000 con người làm việc ở TNG?
Nếu đừng có những xâm phạm trong cạnh tranh thì TN còn kinh doanh tốt hơn bởi dù nhiều khó khăn, TN vẫn kinh doanh ổn, nhất là mở rộng thị trường chính ngạch Trung Quốc tốt và vẫn bền bỉ tiến hành các công trình văn hóa xã hội (làng cà phê, bảo tàng cà phê, hành trình giao lưu SV toàn quốc khởi nghiệp, tặng sách...).
Chuyện ông Vũ có suy nghĩ hoang tưởng, vĩ cuồng khiến người ta thấy khó ưa, thấy dị ứng cũng hiểu được, nhưng đó không phải là vi phạm pháp luật. Liên quan pháp luật thì tòa đã buộc đi giám định tâm thần nhiều lần, chứng minh đủ năng lực hành vi theo luật pháp đã được thực hiện đầy đủ. Các bạn đọc tới đây sẽ bật hỏi: vậy chứ TN bị câm sao mà không “kêu cứu”, không la lên cho dư luận biết rõ thông tin?
Tôi chẳng biết. Chỉ biết một điều: ông Vũ cấm tuyệt đối chuyện nói việc vợ chồng tranh chấp trên báo hay mạng xã hội.
Vì sao phải cấp tập, rầm rộ làm dậy sóng dư luận, “kêu cứu” tràn lan từ mạng xã hội đến trả lời phỏng vấn báo chí trong khi phía “bị kêu cứu” vẫn “tịnh khẩu”? Tôi thấy cần kêu cứu cho...sự thật. Phải tạo một không gian công bằng, bình thường, tôn trọng công luận để Tòa án và pháp luật thực hiện trách nhiệm của mình.