Fica

Giá điện tăng bao nhiêu?

Với biểu giá điện tăng đều ở cả 6 bậc thang (khoảng 8,4% ở mỗi bậc) thì có thể kết luận nhanh rằng, nếu lượng điện tiêu thụ không đổi thì hóa đơn tiền tiện nhà bạn trong tháng Tư sẽ tăng 8,4% so với tháng Ba. Còn nếu hóa đơn tăng nhiều hơn con số đó thì là do lượng tiêu thụ tăng.

Phạm Thế Anh

Chuyên gia kinh tế

Số tiền điện phải nộp = Giá điện * Lượng tiêu thụ. Do vậy, % tăng của số tiền phải nộp (hóa đơn) = % tăng giá + % tăng lượng tiêu thụ.

Với biểu giá điện tăng đều ở cả 6 bậc thang (khoảng 8,4% ở mỗi bậc) thì có thể kết luận nhanh rằng, nếu lượng điện tiêu thụ không đổi thì hóa đơn tiền tiện nhà bạn trong tháng Tư sẽ tăng 8,4% so với tháng Ba. Còn nếu hóa đơn tăng nhiều hơn con số đó thì là do lượng tiêu thụ tăng.

Do vậy, thay vì chửi bới hay dọa kiện EVN lừa đảo thì người dân nên soi xét xem việc tăng giá điện 8,4% như thế có hợp lý không? Hóa đơn tiền điện của người dân có bao gồm tiền thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành của EVN (như vào AB Bank, AB Securities, EVN Telecom,...) hay không?, có bao gồm chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis, chơi golf, đi nghỉ dưỡng nước ngoài của lãnh đạo ngành điện hay không?

Giá điện tăng tác động thế nào tới lạm phát?

Tổng Cục Thống kê (GSO) vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu thực hiện đánh giá tác động của việc tăng giá điện. GSO lúc này như ngồi trên đống lửa.

Dự báo đúng có thể bị quy là gây hoang mang dư luận bởi như ông Huệ nói "lạm phát kì vọng ở Việt Nam là rất lớn" (việc "tát nước theo mưa" thì đúng hơn); dự báo sai thì rất dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Mà vừa làm công tác thống kê vừa dự báo thì việc đúng sai là do các anh cả. 

Mô hình VAR đơn giản giữa chỉ số giá tiêu dùng và giá điện từ 2007 tới nay chỉ ra rằng tác động của việc tăng giá điện là lớn và lâu dài hơn nhiều so với giá xăng dầu. Tác động của việc tăng giá điện bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng thứ 2, đạt đỉnh vào tháng thứ 12 và gần như tắt hẳn vào tháng thứ 24 kể từ khi cú sốc giá điện xảy ra.

Cụ thể, cú sốc tăng giá điện 1% sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát (yoy) 0,064 điểm % vào tháng thứ nhất, 0,22 điểm% vào tháng thứ ba; 0,35 điểm% vào tháng thứ sáu; 0,48 điểm % vào tháng thứ 9 và đạt đỉnh 0,55 điểm % vào tháng thứ 12; sau đó giảm dần và hầu như không còn tác động sau 2 năm. (Vừa rồi giá điện tăng sốc 8,4% thì tác động nhân lên 8 lần). Trong ảnh là phản ứng của tỷ lệ lạm phát trước cú sốc giá điện (2%).

Phê bình cách làm chính sách

Nhân tiện nhân dân cũng rất phê bình cách điều hành giá vừa qua. Việc cam kết không tăng giá tạm thời (nhưng cuối cùng vẫn phải tăng đối với cả điện và xăng dầu) không những không giúp tránh được "lạm phát kỳ vọng" mà còn làm giảm tín nhiệm (credibility) đối với cơ quan điều hành.

Thời điểm tăng giá cũng không hợp lý (tăng giá điện thì chọn tháng nóng nhất để thực hiện, bên cạnh thuế (không) bảo vệ môi trường thì giá xăng cũng dập dồn tăng đến 5 lần (xấp xỉ 26%) từ đầu năm, ngoài ra còn tăng giá dịch vụ y tế... chỉ trong vòng vài tháng đầu năm).

Thêm rằng, tôi rất nghi ngờ số liệu CPI công bố vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, "CPI tháng 4/2019 tăng 1% so với tháng 12/2018." Trong khi đó, quyền số của điện sinh hoạt trong rổ hàng tính CPI hiện nay là 2,4% còn quyền số của xăng dầu là 4,1%. Từ đầu năm tới nay, giá điện tăng 8,4% còn giá xăng dầu tăng khoảng 25%. Như vậy, tác động TRỰC TIẾP (vòng 1) của việc tăng giá điện và xăng dầu lên CPI sẽ là 2,4%*8,4% + 4,1%*25% = 1,25% (lớn hơn con số 1% tăng của CPI từ đầu năm tới nay do Tổng cục Thống kê vừa công bố, chưa kể giá các mặt hàng khác như vận tải, thực phẩm,... tăng mạnh trong thời gian qua).