Fica

Đừng ảo vọng vào FDI!

Nguyễn Đình Cung
Nguyễn Đình Cung

Không thể kỳ vọng vào FDI để xây dựng Việt Nam thịnh vượng được, chỉ có người dân Việt Nam mới có thể xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng...

TS. Nguyễn Đình Cung

Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa, không có gì trở ngại đối với các nhà đầu tư EU, song từ đó đến nay vốn của EU vào Việt Nam rất ít, dù Việt Nam rất khuyến khích, rất mở cửa cho họ, rõ ràng đây có vấn đề gì đó ở Việt Nam.

Theo tôi, cái mà các doanh nghiệp EU ngại nhất có lẽ là pháp lý, thể chế kinh tế. Nếu tiếp tục làn sóng đầu tư nước ngoài theo kiểu không chọn lọc, lấp hết chỗ thì hy vọng gì các nhà đầu tư EU vào Việt Nam?

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đừng quá trông chờ vào FDI, không thể kỳ vọng vào FDI để xây dựng Việt Nam thịnh vượng được, chỉ có người dân Việt Nam mới có thể xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, xác định như thế để xây dựng cho được kim chỉ nam hành động, tháo bỏ quản kiểm, cách quản lý cũ như hiện nay.

Yêu cầu cải cách, giờ phải có tư tưởng đổi mới về cải cách, tư duy phải là không phải cải cách là để cải cách, cải cách phải là để phát triển, cải cách để phát triển tư nhân. Xóa bỏ hết điều kiện kinh doanh.

Cần phải bỏ nhanh, bỏ gấp quản kiểm, cơ chế xin cho, điều kiện kinh doanh... đây là đặc trưng của cơ chế cũ. Chúng ta giữ thì mất hết, chúng ta bỏ thì sẽ có tất cả.

Bên cạnh cải cách quản lý, việc Việt Nam cần làm là cải cách hệ thống tư pháp, Việt Nam cần có hệ thống tư pháp độc lập. Đối với FDI, họ không lo vì nếu có tranh chấp với cơ quan Nhà nước, họ có trọng tài thương mại; còn đối với doanh nghiệp Việt, có tranh chấp với Nhà nước không ai dám nói cả. Chỉ một vụ như Cà phê "Xin Chào" đã biết quản lý ở các địa phương nặng về hình thức như thế nào.

Cứ phụ thuộc FDI và cứ bằng lòng với tăng trưởng GDP 5-7% nhờ gia tăng đầu tư, xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI, chúng ta khó có cải cách được. Nếu đặt giả thiết có thể "không có đầu tư FDI", lúc này các cơ quan Nhà nước phải giải bài toán tìm đâu động lực, họ buộc phải hỗ trợ kinh tế tư nhân trong nước.

Tôi đến các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... hoàn toàn vẫn là mô hình khai thác tài nguyên đất đai và lao động giá rẻ, kết hợp với mở cửa thị trường để thúc đẩy tăng trưởng, càng phụ thuộc FDI thì nguồn lực trong nước càng bị chèn ép.

Chênh lệch giữa GNP và GDP đầu người ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI rất chênh lệch, điều này chứng tỏ người dân không có nhiều giá trị gia tăng trong nước, không được hưởng về sự phát triển do FDI mang lại. Trong khi đó, tiền chuyển ra nước ngoài ngày càng lớn.

Hãy nhìn về 10 năm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đầu tư FDI không có đóng góp gì quan trọng vào tiến trình này cả, họ đi theo hướng riêng.

Chúng ta không thể chặn FDI một sớm, một chiều nhưng cũng không thể mãi dựa dẫm vào họ. Phải thay đổi tư duy dần dần, phải tạo áp lực, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân. Nguồn lực không thay đổi nhưng tư duy phải thay đổi. Nếu tiếp tục bằng lòng với chính mình, chúng ta sẽ chỉ thu được những luồng vốn lẻ, tạo sân chơi tồi, không thể có các nhà đầu tư lớn, có ý định lâu dài với Việt Nam.

Đã rất nhiều người nói Việt Nam có hai nền kinh tế trong một quốc gia, đó là kinh tế FDI và kinh tế do doanh nghiệp Việt, người Việt điều hành. Một bên là sự phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, khai thác được lợi thế mở cửa. Một bên là doanh nghiệp Nhà nước đang "oằn mình" thay đổi; các doanh nghiệp tư nhân bé nhỏ đang cặm cụi, vật lộn với bài toán: vốn, thị trường và chuỗi cung ứng....

Bản thân các nước lớn, họ tận dụng FDI nhưng không quá đà, vẫn phải nuôi dưỡng, chăm trồng cho doanh nghiệp bản địa lớn lên, để nuôi dưỡng nền kinh tế của đất nước tự chủ, thịnh vượng. Việt Nam nên thế và cần thế vì đó là quy luật tất yếu.