Fica
  1. Góc nhìn

Doanh nghiệp nhà nước, có nên duy trì tên gọi Tập đoàn?

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

30 năm trước ta thành lập các Tổng công ty Nhà nước. Với các quyết định số 90 và 91 mà ta vẫn quen gọi gắn với loại tổng công ty. Sau này các tổng công ty 91 còn lên tập đoàn. Trong tập đoàn lại có các tổng công ty nữa.

Ông Ngô Văn Tuyển, Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Ở các nước thì “group” chỉ là cách gọi một nhóm các công ty có quan hệ về vốn, về sản phẩm liên quan với nhau. Công ty mẹ có quyền chi phối các công ty con thì vẫn chỉ là công ty, không có cách gọi tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ như ta.

Từ ý nghĩa chỉ là khái niệm thì lại biến thành tên gọi, khi dịch sang tiếng nước khác thì không có cách diễn đạt tương đương. Ngay cả Trung Quốc khi nói “tổng công ty” - “phân công ty” là nói về quan hệ công ty có các chi nhánh (phân công ty), chứ không phải như mô hình của ta.

Các công ty không có vốn nhà nước liên kết với nhau là một quá trình hình thành tự nhiên. Các công ty có vốn nhà nước trước đây hợp thành nhóm công ty bằng các quyết định hành chính. Việc hình thành các group này cũng không có vấn đề gì nếu hoạt động của chúng chỉ là quan hệ sở hữu vốn và liên quan đến nhau trong lĩnh vực hoạt động.

Kết quả hoạt động của một group được thể hiện ở báo cáo tài chính hợp nhất. Một group thành công khi kết quả chung là có lãi. Có khi trong group chỉ một ít mảng hoạt động hiệu quả, còn các mảng khác lỗ. Tuy nhiên, các hoạt động lỗ đấy có khi lại làm lên thương hiệu để mảng hoạt động lãi có hiệu quả tối đa.

Các group có vốn nhà nước lại khác, báo cáo hợp nhất lãi là chưa đủ. Giả sử có 3/10 công ty con lỗ thì các hoạt động lỗ này bị thanh tra, kiểm tra, giám sát kể cả khi số lỗ không đáng kể so với hiệu quả hợp nhất chung. Các tập đoàn lớn vẫn có thể có những công ty con, những dự án bị xem xét mổ xẻ độc lập mà không coi trọng tính hợp nhất của cả tập đoàn.

Trong quan hệ cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường mở cho nước ngoài, thì quan hệ hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm công ty là rất quan trọng. Khi các lĩnh vực yếu về cạnh tranh bị bỏ mặc, bị coi là đối tượng phải cắt bỏ thì vô tình làm lợi cho bên ngoài và khả năng tự chủ sản xuất của quốc gia ngày một ít đi.

Nhà nước có tham gia kinh doanh lẽ ra phải tạo ra một cơ chế để các doanh nghiệp của mình hoạt động đúng nghĩa là doanh nghiệp. Với tư cách là cổ đông, nhà nước cần chọn một hội đồng quản trị chuyên nghiệp để điều hành. Việc lựa chọn nhân sự không phù hợp, cộng với tư duy quản lý nặng về “quản” (mà không quản được) khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp có những bất cập như trong thời gian vừa qua.

Hiện tại, Luật doanh nghiệp đang được xem xét sửa đổi. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước thì cần phải sửa cả Luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sửa luật thì phải theo hướng tích cực, tiệm cận quy luật hoạt động của doanh nghiệp. Sửa luật lại bị ám ảnh bởi tư duy “quản” của những người không hiểu về hoạt động của doanh nghiệp thì có thể dẫn đến kìm hãm phát triển.

Trong quản lý chất lượng có triết lý “nếu chú trọng chất lượng thì chất lượng sẽ tăng lên và chi phí giảm, nếu chỉ chú ý cắt giảm chi phí thì chi phí tăng và chất lượng giảm”. Trong quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng vậy, nếu chỉ chú ý đến “quản” thì cũng không quản được và doanh nghiệp cũng không hiệu quả. Vì vậy, đối với các group có vốn nhà nước để hoạt động hiệu quả cần phải đáp ứng các yêu cầu:

(1) Phải có khả năng chọn lựa được nhân sự quản trị, điều hành chuyên nghiệp và trao quyền tự chủ cho họ đối với hoạt động của toàn bộ group, tương tự như ở các group không có vốn nhà nước. Nếu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chọn lựa nhân sự không đúng và muốn can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp thì phải đồng chịu trách nhiệm khi có những vấn đề xảy ra.

(2) Phải để doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động bình đẳng đúng quy luật thị trường. Không bắt các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động theo các mục tiêu không phù hợp với vai trò của doanh nghiệp. Nhà nước có thể sử dụng chính tiền lãi của doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ an sinh xã hội, chứ không thể bắt doanh nghiệp hoạt động bao cấp, hay bình ổn thị trường.

(3) Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải có đủ năng lực và quyền hạn với vai trò của cổ đông. Các cơ quan này cũng chỉ chịu trách nhiệm về mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu khác được nhà nước giao. Nếu các cơ quan này lại không đủ thẩm quyền trong các quyết định với vai trò cổ đông thuộc phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì chỉ kìm hãm hoạt động doanh nghiệp.

(4) Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không được can thiệp sâu rộng vào hoạt động của hội đồng quản trị bằng các quy chế quản lý bất cân xứng với vai trò của các cổ đông khác ngoài nhà nước.

(5) Nếu không đáp ứng được các yêu cầu từ (1) đến (4) ở trên, nhà nước chỉ nên giữ lại vốn nhà nước chiếm 51% trở lên ở các doanh nghiệp liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia.