Fica

Điện một giá khó khả thi!

Hà Đăng Sơn
Hà Đăng Sơn

Một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam.

Hà Đăng Sơn

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ cũng tính thêm phương án một giá để người dân lựa chọn. Nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu luỹ tiến bậc thang.

Chi phí điện năng có đầu vào cố định, chi phí đầu ra, biểu giá trung bình chúng ta đã có rồi. Khi chia theo bậc thang thì có sự chia sẻ giữa các bậc thang, trong đó người càng dùng nhiều thì phải trả mức giá càng cao hơn.

Chúng ta đều biết, điện năng là nguồn tài nguyên hữu hạn. Chính sách nhà nước chủ trương phải tiết kiệm tài nguyên này. Chưa kể chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu. Do vậy, càng không thể lãng phí tài nguyên thiên nhiên vì thói quen tiêu dùng được.

Chi phí về mặt năng lượng của chúng ta đang được bù giá tương đối rất lớn. Khi chuyển sang giá điện 1 bậc thì một vấn đề lớn đặt ra, mức giá phù hợp là bao nhiêu?

Theo tính toán, nếu ở ngưỡng nằm giữa bậc giá 3-4 hiện nay thì trung hoà về mức độ chi trả khác nhau. Nếu đặt ra ở mức giá này thì những người thu nhập thấp họ phải trả hơn người thu nhập cao. Vậy thì có đảm bảo công bằng xã hội không? Có hợp lý hay không?

Còn nếu đặt giá thấp hơn thì có đảm bảo được chủ trương tiết kiệm điện hay không?

Theo tôi thấy, thực sự nếu giá điện một giá mà có mức thấp, trong khi tôi cảm thấy vẫn chi trả được thì tôi không có lý do gì phải tiết kiệm điện cả.Trong trường hợp đưa ra mức giá cao thì vai trò điện một giá lại không còn ý nghĩa gì nữa, vì đằng nào chúng ta cũng phải trả mức giá cao nhất rồi.

Cá nhân tôi nghĩ một biểu giá chỉ là phương án đề xuất, đem ra cân nhắc, Bộ Công Thương khi tính toán sẽ phải thấy rất nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết.

Chẳng hạn như việc cân bằng chi phí, thói quen tiêu dùng, chủ trương tiết kiệm điện, định hướng về sau khi nhập khẩu điện càng ngày càng nhiều hơn thì sẽ giải quyết bài toán giá điện như thế nào.

Một số nước cũng dùng điện một giá. Chẳng hạn Singapore đang áp dụng một giá nhưng với giá bán lẻ rất cao, trên 24 cent một kWh, hay một số bang của Australia đang áp giá 30 cent một kWh (tương đương hơn 4.000 đồng một kWh).

Liệu người dân Việt Nam có chịu được mức chi phí cao như thế không và ngành điện có thể phát triển bền vững được không.

Giá điện đầu ra được tính toán dựa trên cơ sở giá đầu vào và các chi phí vận hành, quản lý hệ thống. Chính phủ đang khống chế giá đầu ra để đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế. Và như vậy, một giá điện sẽ khó giúp ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.

Ngoài ra nhiều người đặt câu hỏi, tức là mùa lạnh tôi sẽ được lợi hơn khi giá bậc thang. Đến mùa nóng thì tôi lại muốn dùng một bậc giá. Nếu như thế thì phải tính toán như thế nào. Khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất bị động để đáp ứng về mặt hợp đồng, chi phí...

Còn về chuyện hoá đơn tiền điện trong mùa hè năm nào cũng "nóng", đại diện EVN cho biết, rõ ràng xu hướng tiêu dùng người dân với điện năng tăng rất nhiều. kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ ở các nước thu nhập trung bình hiện quanh ngưỡng 200 kWh một tháng.

Vì thế, nhà chức trách nên tính toán các mức giá và chia bậc thang giá điện trên cơ sở về lâu về dài mức trung bình 200 kWh này, để dễ dàng thực hiện và không phải điều chỉnh nhiều trong thời gian dài.