Fica

Di dời nhà máy nhưng không doanh nghiệp nào nhận làm công viên

Sau khi di dời nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội, rất nhiều chung cư, khu đô thị mới hiện đại được xây dựng. Ngược lại, có rất ít các công trình công cộng, công viên cây xanh, trường học được hoàn thiện.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

Về chủ trương và quy hoạch phát triển các công trình công cộng, các công trình cây xanh tại các quỹ đất trống đó là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, cách thức thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý.

Sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, nhiều chung cư mới được xây dựng, thay cho công viên có một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp đặt nặng vấn đề kinh doanh và không mặn mà với các phương án phát triển các công trình công cộng.

Ví dụ, theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su sao vàng - nhà máy xà phòng và thuốc lá Thăng Long, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) không chỉ có có chung cư, trên thực tế, tại đây có một quỹ đất rất lớn ưu tiên để phát triển công viên.

Tuy nhiên, người dân di qua khu vực này chỉ toàn thấy chung cư hoặc các dự án chung cư đang chuẩn bị thực hiện và hoàn toàn không thấy công viên nằm ở đâu.

Tôi thấy, xây dựng chung cư thì doanh nghiệp nào cũng nhận làm, tuy nhiên khi đề cập tới việc xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh thì không ai nhận cả.

Các dự án bất động sản, chung cư hoặc các công trình mang tính chất kinh doanh được ưu tiên xây dựng là do đem lại được nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các công trình cây xanh phục vụ người dân thì không rõ chức năng nhiệm vụ và không đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này khiến quá trình thực hiện xây dựng công trình công cộng rất chậm.

Chỉ khi nào cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ công tác phát triển quỹ đất trống, doanh nghiệp mới thực hiện xây dựng các công trình công cộng một cách đối phó, dè dặt. Dẫn tới các công trình này có chất lượng rất kém.

Ví dụ với khu đất đằng sau nhà máy rượu Halico (Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) sau 20 năm mới bắt đầu xây dựng 2 trường học. Như vậy là rất chậm so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Để giải quyết vấn đề này, tôi xin đưa ra 3 giải pháp:

Thứ nhất cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát quá trình phát triển quỹ đất trống theo quy hoạch.

Thứ 2 là phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quỹ đất trống theo quy hoạch đã phê duyệt.

Thứ 3 các cơ quan ban, ngành trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch phải có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các công trình kinh doanh với các công trình công cộng.

Như vậy, năm 2050, nội đô Hà Nội sẽ đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời kia. Tuy nhiên, quy hoạch đúng, chủ trương đúng, việc còn lại là cách thực hiện cũng phải đúng, như vậy mới có thể thực hiện được.