Fica

Để trở thành "công xưởng mới" của thế giới

Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt

Khi các nhà đầu tư đưa nhà máy ra khỏi Trung Quốc để san sẻ bớt rủi ro, họ sẽ không đặt tất cả trứng vào một giỏ thì thế nào Việt Nam và các nước khác cũng có phần.

Nguyễn Trần Bạt

Chuyên gia tư vấn, nhà sáng lập InvestConsult Group 

Trung Quốc là một nước có ưu thế về mặt kinh tế hàng đầu thế giới. Hiện nay họ là kẻ cạnh tranh chính với Mỹ, vì thế mới có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra trước dịch bệnh Covid-19. Yếu tố Covid-19 xuất hiện tham gia vào quá trình cấu trúc lại kinh tế chính trị trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Covid-19 cũng gây rắc rối nhiều cho Mỹ, đến mức Mỹ ngờ vực Trung Quốc tạo ra Covid-19.

Tôi nghĩ rằng, các nhà sản xuất quay về Mỹ là khó và ra khỏi Trung Quốc cũng không dễ. Các công ty đang cân nhắc một cách do dự để nghe theo hay không nghe theo, để rút hay không rút ra khỏi thị trường Trung Quốc. Chúng ta buộc phải theo dõi các diễn biến có liên quan.

Tôi nghĩ chúng ta cần bản lĩnh, bình tĩnh để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và lực lượng quản lý xã hội. Đây là một cơ hội để Việt Nam đưa ra những cải cách nhằm nâng cao tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài.

Khi các nhà đầu tư đưa nhà máy ra khỏi Trung Quốc để san sẻ bớt rủi ro, họ sẽ không đặt tất cả trứng vào một giỏ thì thế nào Việt Nam và các nước khác cũng có phần. Còn việc đi theo phe này, phe kia để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn thì tôi nghĩ là không nên.

Thái độ độc lập với chính trị, độc lập với các âm mưu cấu tạo xung đột kinh tế thế giới càng rõ ràng bao nhiêu, Việt Nam càng có uy tín bấy nhiêu.

Việt Nam cần thể hiện mình không phải như một kẻ cơ hội mà như một quốc gia ý thức về việc chuẩn bị thu hút đầu tư bằng việc xây dựng lực lượng xã hội và tạo ra các chính sách tốt nhất.

Làm thế nào để chính sách của mình được khôn ngoan, nhân dân của mình tích cực và có năng lực, đấy là công việc của Chính phủ.

Bây giờ chúng ta phải đặt ra câu hỏi là các nhà sản xuất nước ngoài họ đến Việt Nam sản xuất hàng hóa để bán cho ai? Tại sao các nhà máy của họ lại đặt ở Trung Quốc? Bởi vì họ bán hàng hóa sản xuất được cho người Trung Quốc.

Tại sao lại đến Việt Nam vì Việt Nam gần Trung Quốc, không bị Chính phủ Trung Quốc gây khó cho việc sản xuất mà vẫn vận chuyển được đến thị trường Trung Quốc một cách dễ dàng. Đấy là chưa kể đến chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc có hơn 1.000km biên giới, vô cùng thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Đương nhiên Apple sẽ không cắt các quan hệ với Trung Quốc, họ vẫn giữ quan hệ tiếp tục với Trung Quốc.

Tôi hơi phân vân vì các câu hỏi đặt ra đầy rẫy các yếu tố muốn tước bỏ vai trò của Trung Quốc trong câu chuyện này. Tôi nhắc lại, chiến tranh Mỹ - Trung có xảy ra cỡ nào, bộ tứ kim cương (QUAD) có hùng vĩ cỡ nào thì chỗ bán hàng chủ yếu của toàn bộ nền công nghiệp bộ tứ vẫn là thị trường Trung Quốc.