TS. Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, giữa nhà thầu và nhà đầu tư là khác nhau. Tại dự án cao tốc Bắc – Nam, lựa chọn nhà đầu tư rồi mới tiếp đến chọn nhà thầu.
Mặc dù vậy, lo ngại của dư luận về những vấn đề đội vốn, chậm tiến độ liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc là có cơ sở. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài gây khó khăn hoạt động xây dựng hạ tầng, bức xúc cho người dân, gây ảnh hưởng lớn tới giao thông, trong đó có dự án Cát Linh – Hà Đông.
“Bài học” sừng sững giữa thủ đô ấy giờ vẫn chưa xong nên khiến người dân nghi ngờ, thiếu lòng tin.
Tại dự án cao tốc Bắc – Nam, chúng ta thực hiện đấu thầu quốc tế, tức là không có sự phân biệt nội – ngoại. Theo lý thuyết, bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tốt nhất sẽ được lựa chọn thực hiện dự án.
Tuy nhiên, để chọn được nhà đầu tư đáp ứng được năng lực kinh nghiệm nêu trên, cơ quan quản lý cần hết sức nghiêm túc, có chế tài chặt chẽ, tiếp thu kinh nghiệm với những vụ việc trong thời gian qua.
Thứ hai nữa, cũng nên có những điều kiện để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nội, như vậy mới tạo công ăn việc làm cho Việt Nam cũng như khai thác nguyên vật liệu sẵn có trong nước. Việc nhà đầu tư nước ngoài chọn nhà thầu nước ngoài là có thể. Các doanh nghiệp Việt muốn tạo sức mạnh nên liên danh lại với nhau.
Mặt khác cần có cơ chế rõ ràng trong việc thanh lọc nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp Trung Quốc mà đã từng có “vết” như chậm tiến độ, không giữ đúng cam kết, gây bức xúc dư luận khi làm dự án ở Việt Nam thì dứt khoát loại.
Vừa rồi nhiều dự án đã bộc lộ sự yếu kém trong khâu đàm phán hợp đồng của chúng ra. Sơ hở nhiều sẽ nhận nhiều thiệt thòi.
Phải chú ý để tránh bài học đau xót như đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hợp đồng phải ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm cá nhân, tập thể tham gia dự án. Giá cả chỉ được vượt ở mức bao nhiêu chứ không thể để đội vốn “khủng” được. Công nghệ phải như thế nào, thời gian ra sao phải rõ ràng. Tối đa chậm bao nhiêu lâu, chậm thì chế tài ra sao. Càng chi tiết, cụ thể thì càng có tính răn đe.
Điều dư luận quan tâm là chất lượng, tiến độ dự án, do vậy cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa ra bộ hồ sơ thầu và hợp đồng để quản lý chặt chẽ ngay từ đầu cũng như đảm bảo cả vòng đời dự án.
Nên rút kinh nghiệm, không nên chăm chăm việc chọn giá thấp. Mình phải nêu chi tiết các yếu tố ra. Vật tư là vật tư gì, thiết bị gì, công nghệ gì, thời hạn bảo hành bao nhiêu năm, nêu các tiêu chí thật đầy đủ vào thì sẽ khó có chuyện giá thấp. Việc này đòi hỏi cán bộ phía cơ quan quản lý phải giỏi, nắm vững chuyên môn, có tầm hiểu biết.
Tránh hết sức những hành động tiêu cực khi tổ chức đầu thấu và nhận điều kiện của nhau. Cái này rất nguy hiểm. Nó có thể phá hỏng dự án. Người dân giám sát, biết hết. Đừng bao giờ nghĩ họ không biết gì.
Do vậy, đừng lấy lợi ích cá nhân mà quên đi việc lớn, quên đi lợi ích đất nước nhân dân. Khi chọn nhà thầu, cần cử đoàn chuyên gia giỏi sang xem các doanh nghiệp này làm ăn thế nào, hiệu quả đến đâu, sờ tận tay thấy tận mắt những sản phẩm họ làm. Tốn công sức nhưng đảm bảo chất lượng thì nên làm.