Fica

Đấu thầu cao tốc đừng nặng về giá

Chúng ta phải chú trọng đến chất lượng, công nghệ, còn giá thành thấp không phải là yếu tố hàng đầu.

GS. TSKH. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Trong thông báo mời sơ tuyển, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); kinh nghiệm chiếm tỷ trọng 30% tổng điểm và phương pháp tổ chức triển khai dự án chiếm 10%.

Bộ đặt ra tiêu chí vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc - Nam phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 1.000 tỷ đồng cho dự án từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng nếu tiêu chí này thì doanh nghiệp Việt khó có cửa. Bởi đa số doanh nghiệp nội địa còn nhỏ. Trước đây số vốn chủ sở hữu tại các dự án BOT khá thấp, chỉ khoảng 11 – 12%, nay tăng lên như vậy là cao.

Chưa kể việc quy định nhà đầu tư tham gia đấu thầu là phải từng đầu tư một dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% đoạn cao tốc tham gia đấu thầu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. Thực tế số nhà đầu tư trong nước đạt được tiêu chí này cùng không nhiều.

Trong khi đó, việc đặt nặng yếu tố kinh nghiệm với những dự án quy mô lớn là không cần thiết bởi thực tế hầu hết các dự án BOT đường bộ thời gian qua đều do doanh nghiệp Việt làm, nhiều dự án chất lượng rất tốt.

Tôi cũng băn khoăn tại sao đối với dự án như thế này, tại sao chúng ta không đấu thầu trong nước, tạo điều kiện để chọn được doanh nghiệp Việt có năng lực làm, đâu cần đấu thầu quốc tế rộng rãi ở tất cả các dự án thành phần.

Vì sao không xem xét kỹ, dự án nào cần hút vốn nước ngoài, dự án nào cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt làm? Nếu đường sắt cao tốc thì còn bảo chúng ta chưa theo kịp công nghệ, cần sự đầu tư nước ngoài đã đành.

Bên cạnh đó tại sao không chia nhỏ nữa các dự án ra, mỗi dự án chỉ khoảng 50km thôi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa có thể tham gia?

Tôi không kỳ thị nhà đầu tư nào, những bất kỳ quốc gia nào cũng vậy thôi, họ đều có chiến lược nhằm ưu tiên cho sự phát triển doanh nghiệp nội địa.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt làm để tạo thêm công ăn việt làm, cũng chính là để phát triển kinh tế của đất nước lên.