Ông Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Giai đoạn sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực thoái lui, rút khỏi thị trường, thậm chí phá sản.
Hiện Chính phủ đã đưa ra 3 gói kích thích kinh tế. Một là gói an sinh 62.000 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp trả lương người lao động; Gói 180.000 tỷ đồng giãn hoãn thuế và gói 300.000 tỷ đồng vốn tín dụng các hệ thống ngân hàng khoanh, giãn, hoãn nợ và cho doanh nghiệp vay mới.
Tuy nhiên, để phục hồi doanh nghiệp như trạng thái bình thường sẽ rất gian nan. Trong hoàn cảnh này, có hai quan điểm, một là chỉ chọn doanh nghiệp lớn để cứu, từ đó để gây dựng xương sống cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp lớn và vừa khỏe mạnh rồi, họ làm trụ đỡ, nâng các doanh nghiệp nhỏ theo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ, có ưu thế về sự linh hoạt, theo kiểu truyền thống ông cha nói "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", nên tự tái cấu trúc lại, chuyển đổi và hồi phục dần. Chúng ta không có đủ nguồn lực và cũng khó cứu được tất cả.
Có quan điểm thứ 2 cho rằng, cố gắng nỗ lực để cứu 100% các doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ phá sản bởi Covid-19. Tuy nhiên, nguồn lực ở đâu để cứu và có phù hợp với cơ chế thị trường hay không?
Để cứu tất cả doanh nghiệp sẽ rất khó, cứu trợ để doanh nghiệp hồi phục, nhưng họ hồi phục như thế nào? Nếu cứu một doanh nghiệp có cấu trúc yếu, cứu cho sống lại để làm gì? Tại sao không đặt vấn đề chúng ta nên tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, với sự linh hoạt, sáng tạo từ nội lực của chính họ.
Cứu doanh nghiệp ốm yếu không phải đổ nhiều sâm, sữa vào là họ khỏe đâu. Đổ rất nhiều nhưng vẫn yếu và không đứng nổi thì cứu để làm gì? Vừa tốn kém và không hiệu quả. Cứu đại trà hay là chọn người để cứu là phải có định tính, định lượng rõ ràng.
Thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần "tìm cơ trong nguy”, việc mua bán, sáp nhập nên được nhìn nhận là chuyện bình thường của quy luật phát triển, là sự mất đi lúc này nhưng là cánh cửa mới trong thời gian tới.
Tôi nhìn thấy trong "nguy nan" có "cơ hội", đó là dòng đầu tư FDI từ ngoài vào, nhu cầu hàng hoá thị trường đang lên. Việt Nam mở cửa, thị trường đa dạng hơn...
Các nhà kinh tế Việt Nam luôn bị đặt câu hỏi kinh tế Việt Nam có thể vươn lên, đứng dậy sau hậu Covid-19 hay không? Khôi phục lại như thế nào trong khi có nhiều doanh nghiệp rất yếu, khả năng đứng dậy của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị bỏ ngỏ...
Việt Nam có một nét đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều nhưng bão to thì cây to đổ, nhiều cây nhỏ không đổ, không chết, sau bão mưa lại mọc, sức sống lại bắt đầu”, ông Thiên ví von và đặt câu hỏi: Vậy thì doanh nghiệp nhỏ và vừa ngừng hoạt động hay không? Đều đó có, nhưng đơn lẻ, doanh nghiệp nhỏ vốn linh hoạt và sau dịch họ lại có thể tiếp cận được thị trường, lại phục hồi.
Để nền kinh tế đứng dậy được, phải có cách chọn hy sinh, chết là chết. Không thể cứu thì không nên cứu. Cứu những doanh nghiệp có thể đứng dậy được, hỗ trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Do đó, nhiệm vụ trước mắt là Việt Nam nên tập trung giải ngân đầu tư công, bơm tiền ngân sách ra để cứu nền kinh tế qua các dự án đầu tư công và bắt buộc chi ngân sách ít đi.
Chúng ta đang thiếu nguồn lực vốn nhưng lại tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đồng tiền đầu tư công. Nếu ta giải ngân được, bơm được 'dòng máu' này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội và doanh nghiệp.