Fica
  1. Góc nhìn

Cuộc chiến quảng cáo: Cạnh tranh không lành mạnh?

Võ Văn Quang
Võ Văn Quang

Việc Milo cảm thấy mình bị “tổn thương”, bị “chơi khăm”, bị thiệt hại bởi các thông điệp từ chiến dịch quảng truyền thông của Ovaltine là khó tránh. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo này khá “vui vẻ”, không có gì là gay gắt và thậm chí cả hai bên đều được lợi về mặt truyền thông.

Ông Võ Văn Quang, Chuyên gia thương hiệu

Nếu Milo có căn cứ pháp lý thì có thể kiện. Nhưng thực tế có thể thấy, các slogan của Ovaltine chỉ mang ý nghĩa cộng đồng, giáo dục và đối lại slogan của Milo chứ không hề sao chép nên dù có kiện thì cũng khó có lý lẽ. Chuyện giáo dục con theo phương pháp nào thì mỗi người có quan điểm riêng, có người ủng hộ Ovaltine nhưng cũng có người thích cách của Milo. Luật không cấm hai đối thủ cạnh tranh treo bảng biển gần nhau.

Nguyên lý của nghề quảng cáo rất sáng tạo nên những trường hợp này nếu phát sinh kiện tụng, tố cáo nhau sẽ là thách thức cơ quan quản lý Nhà nước.

Sáng tạo là rất tốt, cần phát huy sự sáng tạo, đừng vô tình vì sự cứng nhắc mà trù dập sự sáng tạo. Quản lý nhà nước đối với sáng tạo phải công bằng và phải hết sức văn minh.

Phân tích kỹ hơn về nội dung trong các poster quảng cáo của Olvatine, nó giống như những câu đối. Mỗi phụ huynh khi giáo dục đều có quan điểm riêng.

Anh đừng mong anh đúng 100% và thuyết phục được 100% khi đưa ra các thông điệp. Ở mặt tích cực, câu chuyện trở nên ồn ào thì việc nhận biết về thương hiệu của hai bên đều tăng lên, đều cùng có lợi.

Riêng về màu xanh lá cây được Ovlatine sử dụng trong poster quảng cáo, màu sắc là thứ khó có thể đem ra độc quyền được. Có 3 yếu tố để nhận diện một thương hiệu là hình ảnh, chữ, màu sắc. Tuy nhiên, màu sắc nếu được sử dụng trên bao bì sản phẩm thì có thể xem xét việc vi phạm cạnh tranh, còn nếu sử dụng ở chiến dịch truyền thông thì rất khó để quy kết.