Ngô Văn Tuyển
Quyền Tổng giám đốc VEAM
Người ta lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế. Nền kinh tế nếu làm ra bao nhiêu tiêu dùng hết bấy nhiêu, thì xét cho cùng làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít. Nông dân được mùa thì no, mất mùa thì đói. Nhiều dịch vụ trong ngày đông khách thì cuối ngày đi nhà hàng, ế khách thì tối nhai tạm bánh mì.
Quy mô nền kinh tế càng lớn vận hành càng phức tạp. Những bất thường như dịch virus corona hiện nay sẽ chấn động những mắt xích yếu nhất. Một doanh nghiệp đổ vỡ sẽ kéo theo có những hệ luỵ khác. Nhìn lại hai đợt khủng hoảng tài chính, tiền tệ gần nhất năm 2009, 2013 thì thấy chưa cần phải thiên tai, sóng gió con người tạo ra cũng gây hậu quả không nhỏ.
Lúc khó khăn doanh nghiệp giảm sản lượng mà còn hoạt động vẫn là may mắn. Một doanh nghiệp đột nhiên không bán được hàng không thanh toán được các khoản nợ, hôm qua là thượng đế, hôm nay có thể bị tránh như hủi. Sự lựa chọn nhiều khi chỉ được sống hoặc chết, chứ không có cửa cho tình trạng ngắc ngoải. Một doanh nghiệp phá sản có thể kéo theo các doanh nghiệp và cá nhân khác.
Thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung khi nền kinh tế chậm lại, toàn dân thắt lưng buộc bụng rồi cũng qua. Kinh tế thị trường thì những doanh nghiệp như những cá thể tự chống chọi với virus. GDP kể cả có tăng trưởng âm cũng chưa phải là vấn đề. Vấn đề là những hệ luỵ xảy ra với những doanh nghiệp như những cá thể không may bị virus tấn công. Những định chế tài chính mà nhà nước chi phối thì khó mà cứu những doanh nghiệp khi vay nợ chưa đủ để họ sống chết giải cứu.
Ở một góc độ khác khi người ta cân nhắc giữa an toàn phòng dịch và lo ngại ảnh hưởng GDP. Có thể những người có quyền điều hành đã thấy những mắt xích của nền kinh tế đang bị tổn thương như dịch vụ du lịch, nhà hàng, tiêu thụ nông sản và kể cả công nghiệp. Tuy nhiên, cái ranh giới đối diện rủi ro đang rất mong manh. Cứ cho là tinh thần và trí tuệ là điểm mạnh, nhưng nguồn lực của Việt Nam khi phải đối phó tình trạng như Trung Quốc bây giờ là không đủ sức. Hàn Quốc, Nhật Bản giờ cũng đang lo lắng đối phó dịch bùng phát.
Khi sợ dịch thì có thể chỉ phải lo GDP. Khi coi thường dịch thì có thể phải đối phó với cả dịch và nỗi lo GDP.