Ngô Văn Tuyển
Quyền Tổng giám đốc VEAM
Chỉ mới gần đây thôi khi có chính sách gắt gao xử lý đối với người lái ô tô, xe máy uống rượu bia thì các hàng quán đìu hiu hẳn. Không khí nhiều gia đình như tốt lên khi đàn ông về nhà sớm và bớt chi tiêu kha khá. Thế nhưng đời không đơn giản. Lại có thêm bao gia đình khác méo mặt vì không kiếm được tiền mua sữa hoặc đóng học phí cho con.
Dịch Covid ập đến. Du lịch, hàng không, nhà hàng và bao dịch vụ khác trong vòng ảnh hưởng dừng ngay tắp lự. Những con người trong cuộc mưu sinh liên quan như bị thiếu dưỡng khí. Ở góc độ cả nền kinh tế đánh giá theo con số thống kê thì mức độ xấu đi có khi chỉ vài %. Người ta sẽ ít chú ý đến những cá thể rủi ro khi nhìn nhiều doanh nghiệp phá sản, nhưng lại thấy số đông vẫn tồn tại.
Trong đại dịch hoặc hoàn hồn sau đại dịch tâm lý tiêu dùng của xã hội cũng thay đổi. Lo sợ rủi ro cũng khiến người ta thận trọng chi tiêu. Không có thu nhập thì chẳng có gì mà tiêu hoặc dè sẻn các khoản dự trữ. Tuy nhiên, kể cả có tiền nhiều người cũng không còn hứng khởi tiêu dùng sau những ngày chịu đựng căng thẳng tâm lý. Lại thêm có những kêu gọi tiết kiệm vì cuộc sống thật mong manh và thu nhập bấp bênh.
Thực tế sau những ngày suy thoái, nền kinh tế trì trệ lại cần những liều thuốc bổ. Mỗi khoản chi tiêu của từng người sẽ góp làm cho dòng máu kinh tế lại nóng lên. Lúc này nhìn người khác tưng bừng uống bia, đi nhà hàng mà ngứa mắt thì hỏng. Chi tiêu của người này là góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người khác. Tiền lúc này cần bổ ống ra chứ không phải nhét vào lưng lợn đất. Nhiều thứ giờ giá giảm là cơ hội cho nhiều người. Quần áo, nhà, xe, điện thoại, chứng khoán... đang rẻ.
(Định nghĩa lại)
Covid-19
C - có tiền cần gì cứ tiêu
O - ốm không được tằn tiện
V - việc ùn rồi sẽ làm
I - ít tiền rồi sẽ kiếm
D - dồn tiền giúp nhau lúc khó khăn
1 - 1 đồng chi tiêu
9 - 9 người có việc làm