Fica
  1. Góc nhìn

Cổ phần hoá DNNN một cách khôn ngoan

Phan Đức Hiếu
Phan Đức Hiếu

Nếu lên kế hoạch cổ phần hóa hết doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhưng ngay ngày hôm sau chúng ta “quẳng hết ra chợ” và cổ phần hóa bằng mọi giá thì đó không phải là kế hoạch và chiến lược khôn ngoan.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Việc đến nay mới bán 8% vốn DNNNđể so sánh với tổng lượng vốn thì là ít còn so về số DN thì là nhiều. Tuy nhiên, nếu đánh giá sự thành công chỉ qua những con số thì không thể đánh giá được.

Ngay cả khi mới cổ phần hóa 8% vốn DNNN thì cũng phải bán một cách khôn ngoan và có chiến lược. Nếu chúng ta đã lên kế hoạch cổ phần hóa hết DNNN và ngay ngày hôm sau chúng ta “quẳng hết ra chợ” và cổ phần hóa bằng mọi giá thì đó không phải là kế hoạch và chiến lược khôn ngoan.

Trên thị trường M&A, đôi khi biết “làm hàng” thì còn bán chạy hơn là cứ để nguyên như vậy rồi mang ra bán. Và nhà chính sách hay nhà đầu tư đều không phải người có thể quyết định. Nếu bán với giá hợp lý mà nhà đầu tư không quan tâm một mức nhất định thì cũng không bán được.

Cho nên, đôi khi nhìn nhận thị trường M&A nếu chỉ từ phía nhà chính sách thì cũng chỉ là dự đoán, quan trọng nhất là người mua có quan tâm hay không.

Chúng ta hay nói DNNN là món hời nhưng thực tế, rất nhiều lần chúng ta cổ phần hóa cũng không bán được thì có là hời hay không? Tôi cho rằng là còn tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau và sự quan tâm của nhà đầu tư đến từng DN.

Và ở chừng mực nào đó, cổ phần hóa vẫn là chủ trương đúng và phải thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ.

Cá nhân tôi mong rằng cổ phần hóa đúng kế hoạch, đúng tiến độ và khôn ngoan. Và tôi rất kì vọng vào sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giúp chúng ta bán cổ phần Nhà nước một cách có chiến lược tập thể và dài hạn hơn.

Bởi, mỗi chủ sở hữu DN là một phân mạch cho nên có những chủ sở hữu tạm gọi là các bộ ngành thì đều có những mục tiêu, lợi ích và sự quan tâm khác nhau khi cổ phần hóa DN của mình.

Điều này khiến cho đôi khi, những hành vi riêng rẽ đó không phải sự tổng hòa có lợi mà đôi khi là những sự triệt tiêu nhau. Ví dụ như các bộ ngành đều bung hàng ra bán cùng một lúc thì đó không phải là cổ phần hóa có lợi.

Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là nên bán nhỏ giọt mà phải bán đúng theo mục tiêu của Nhà nước một cách khôn ngoan.