Fica
  1. Góc nhìn

Cơ hội không từ giấy phép

Phan Đức Hiếu
Phan Đức Hiếu

Mọi cơ hội kinh doanh không phải do giấy phép mà ra, nó phải do doanh nghiệp tự tìm ra, tự thay đổi và thị trường tự đem đến cho họ. Cần tạo điều kiện cho họ tìm ra nhanh hơn thay vì đưa giấy phép cản đường.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Năm 2021, mong muốn nhất trong các trụ cột cải cách thì cải cách thể chế kinh tế phải trở thành nền tảng, hệ quả hơn, giảm thiểu can thiệp Nhà nước, doanh nghiệp tự quyết sản xuất gì, bán cho ai, Nhà nước chỉ 2 việc là: đảm bảo quyền tự do cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Tất cả can thiệp như đệ trình phương án kinh doanh, cần có bao nhiêu người hay quy mô ra sao thì cần phải xóa bỏ. Mọi cơ hội kinh doanh không phải là giấy phép mà phải do doanh nghiệp tự tìm ra và thị trường tự đem đến cho họ.

Tôi nhớ, có điều kiện kinh doanh bắt doanh nghiệp khi thành lập phải có 2 đến 3 người, điều này tạo rủi ro thị trường. Ví dụ như khi tôi đủ năng lực, chỉ muốn kinh doanh một mình ở quy mô nhỏ, vậy trong trường hợp này không gia nhập thị trường được.

Thứ hai là mất rất nhiều công để tìm kiếm người khác, nhưng họ lại không cùng chí hướng, hợp tác với mình. Ý tưởng gia nhập thị trường ngay từ ban đầu đã khó thì làm gì có thị trường tự do cạnh tranh.

Ví dụ như kinh doanh kiểm định chất lượng thì phải có diện tích 10m2/người, hoặc địa điểm kinh doanh phải được chứng minh là sử dụng ổn định trong 2 năm...

Không thể chứng minh được! Nếu là nhà của tôi, tôi có thể bán ngay ngày hôm sau, không có cách nào chứng minh được tôi có sử dụng ổn định hay không, tất cả phải bãi bỏ vì chỉ sinh việc, chi phí.

Hay các điều kiện kinh doanh bắt chứng minh năng lực của người kinh doanh, nhưng năng lực là do thị trường quyết định, họ không tồn tại được thì thị trường đào thải.

Những cái đề xuất, kiến nghị đều hướng tới cắt bỏ đi các đặc quyền, điều này nhiều người không muốn khi họ không tự thấy buộc phải thay đổi cả.

Hiện nay, chúng ta cứ nói đến kinh tế số, song phải nói thật là khung thể chế cho loại hình này là chưa có. Chúng ta vẫn còn manh nha về mặt ý tưởng, nhưng nhiều quốc gia đang rà soát chính sách pháp luật liên quan để làm sao không cản trở cho kinh tế số phát triển. Và gần như hiện nay chúng ta vẫn chưa thực sự bắt tay vào làm ngoài một số vấn đề như ví điện tử, mobile money…

Ví dụ như Uber vào Việt Nam rồi khi họ đi rồi, chính sách của chúng ta vẫn mổ xẻ, cãi nhau chỉ ra xem nó là cái gì, là như nào.

Thông điệp hiện nay mà doanh nghiệp mong muốn nhất là thể chế kinh tế phải hiệu quả hơn, tự do hơn và giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động đơn thuần.

Nếu làm được điều này, tự khắc nền kinh tế sẽ tốt hơn, tăng trưởng không phải dè dặt trong 5-6% mà có thể cao hơn. Đấy là cách tạo ra nền kinh tế năng động, kéo dài tăng trưởng theo chu kỳ bền vững hơn, hiệu quả hơn.