Fica

Có hay không có một liều vaccine cho kinh tế Việt Nam?

Nhìn ở góc độ tích cực, thì đây là cơ hội để Việt Nam có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào một số mặt hàng nhập khẩu.

Đỗ Hoà

Chuyên gia Quản trị rủi ro

Tôi nghĩ là sẽ khó để mà tìm ra một vaccine như là một giải pháp tổng thể có thể giúp cho nền kinh tế Việt Nam trở nên miễn dịch đối với đại dịch Coronavirus này.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ thật sự muốn, và sẵn sàng hành động vì dân, vì nước, thì có khá nhiều việc để làm. 

Dịch nếu diễn biến xấu nhất, thì sẽ khiến cả thế giới bị cô lập. Dẫn đến tình trạng tạm thời ngăn sông cấm chợ, không ai đi đâu được cả. Việc cung cấp hàng hóa, nguyên liệu do vậy cũng sẽ bị tiếp tục gián đoạn. 

Ngay cả sau khi dịch qua, thì việc cung cấp hàng hóa cũng ở tình trạng phục hồi dần từng bước, chứ không thể phục hồi ngay 100% như trước dịch được.

Nhìn ở góc độ tích cực, thì đây là cơ hội để Việt Nam có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào một số mặt hàng nhập khẩu.

Trên tinh thần tự cung tự cấp để giải quyết nhu cầu trước mắt (và cũng để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài về lâu về dài), những mặt hàng nào lâu nay trong nước sản xuất được nhưng vì bị hàng ngoại lấn át nên dân bỏ không trồng, không làm, thì Nhà nước cần tranh thủ để kích hoạt dân phục hồi trở lại.

Việc này trong điều kiện bình thường như trước đây thì dù nhà nước có chính sách hỗ trợ thì dân cũng khó theo, vì trên thị trường luôn có sẵn hàng ngoại cạnh tranh với giá rẻ. Nhưng nay vì thị trường khan hiếm, nên hàng ra là bán được, nên chỉ cần Nhà nước có định hướng và chính sách phù hợp thì dân sẽ khởi động lại.

Sau khi dịch chấm dứt, Nhà nước cần tìm cách vận dụng luật (hàng rào kỹ thuật chẳng hạn, và nên tính toán cả yếu tố này khi kích hoạt lại, chỉ nên khuyến khích trồng, sản xuất những thứ mà mình có lý do để bảo hộ được bằng hàng rào kỹ thuật) và hỗ trợ (kỹ thuật, vốn, kênh tiêu thụ) để giúp dân tiếp tục duy trì.

Các bộ Nông nghiệp, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên-Môi trường, Tài chính... cần phải vào cuộc, và cần bắt đầu từ việc rà soát danh mục hàng hóa nhập khẩu kể cả nhập khẩu biên mậu, để rồi đưa ra bàn với các địa phương trước khi đề xuất với Thủ tướng các chính sách khuyến khích.

Phải nhanh tay, phải quyết liệt và quyết đoán để tranh thủ thời gian từ nay cho đến cuối năm, khi dịch còn hoành hành. 
Tập trung vào khôi phục lại sản xuất những mặt hàng trong nước có tiềm lực nhưng vì một lý do nào đó bị mất vào nước ngoài (nhất là Trung Quốc). 

Những mặt hàng này có thể bao gồm: nông sản thực phẩm, nguyên phụ liệu sản xuất dành cho công nghiệp nhẹ.

Việc này rõ ràng là không dễ, đặc biệt là với cơ chế hiện tại, nhưng không phải là không làm được. 

Vaccine thì không, nhưng cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế thì có!