Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch CLB hàng Việt Nam chất lượng cao
Đầu tiên, hàng Việt đang chiếm 80 – 90% hầu hết các kệ hàng siêu thị! Điệp khúc này, cứ mỗi đợt tổng kết hoặc hội thảo gì đó liên quan đến Hàng Việt, là ta lại nghe vang vang. Hỏi người trong ngành thì câu trả lời sẽ là không! Sự thực là chúng ta đang “mị” nhau mà thôi. Người chuyên nghề bán lẻ ngần ngại không dám cãi khi phe 90% có "thế" mạnh quá.
Với phe 90% là Hàng Việt thì định nghĩa của họ là thế này: hàng Việt là hàng sản xuất tại Việt Nam mà không quan tâm đến chủ thương hiệu, chủ doanh nghiệp sản xuất đó là nước ngoài hay không. Như ngành Bia, trước khi Bia Sài Gòn được bán cho người Thái, kệ hàng có hơn 60% là của các thương hiệu như Heineken, Tiger, Sapporo… Các thương hiệu này đều sản xuất tại Việt Nam cả, nhưng nói đó là hàng Việt thì thiệt khó nghe vì đó quả thật là một sự đánh tráo khái niệm quá kỳ cục.
Rồi khi người Thái thâu tóm Bia Sài Gòn, giờ đây 80% kệ hàng (và thị phần nữa) là của các doanh nghiêp nước ngoài. Người Việt hâu như chẳng còn gì trong một trong những ngành hàng tỷ đô như bia.
Ai đó nói, thời toàn cầu hóa không nên quá rạch ròi, nhưng không rạch ròi sao được vì lợi nhuận hàng trăm triệu đô la sẽ được chuyển ra nước khác, có đồng nào ở lại Việt Nam đâu? Chưa kể hàng loạt nghi vấn trốn thuế của nhiều doanh nghiệp đang chi phối thị trường vẫn là bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý.
Quan trọng hơn là: một khi nắm trong tay thị phần chi phối, các công ty này sẽ được quyền “điều khiển” rất nhiều thứ như sản phẩm, giá cả, phân phối…chưa kể họ thừa “nghệ thuật” tác động lên cả chính sách quản lý thị trường liên quan đến ngành hàng.
“Chủ quyền” ngành bán lẻ của chúng ta, tình huống này là mất. Thử kể ra hàng loạt ngành hàng trong siêu thị lâm vào tình trạng tương tự, như: hóa phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo, tã trẻ em, băng vệ sinh phụ nữ… Người trong nghề đã có lúc bảo nhau: nếu coi là mất “chủ quyền” của một ngành hàng (nếu trên 50% ngành hàng đó thuộc về tay các doanh nghiệp nước ngoài) thì bình quân trong siêu thị hiện nay có không dưới 10 ngành hàng lớn, đã chiếm đến một nửa doanh số các thương hiệu được liệt vào dạng này. Kiểu đánh giá hàng Việt đang chiếm 80 – 90% các kệ hàng siêu thị là sai bét. Đừng lừa nhau nữa!
Thứ 2, ở một góc nhìn khác, cũng là câu chuyện có thật của một doanh nghiệp mà được chúng tôi tư vấn (xin phép không nêu tên). Doanh nghiệp này kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, bán tốt trên kênh truyền thống vì họ chịu khó xây dựng hệ thống phân phối đến tận hàng cùng ngõ hẻm từ nông thôn đến thành thị. Nhưng nói thật nhé, họ mất đến 2 năm mới đưa được 3 sản phẩm chủ lực của mình lên kệ của một nhà bán lẻ trong nước. Phải chăng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như vậy? Vì là nhà bán lẻ trong nước, có chính sách ưu tiên doanh nghiệp nội địa nên mức chiết khấu ở mức chấp nhận được, khoảng 15%, (không “sát thủ” như những siêu thị ngoại, phải trên 20% mới nói chuyện).
Nhưng khó khăn lại đến từ chỗ khác: với nhóm hàng mà doanh nghiệp muốn đưa hàng vào, các nhà cung cấp nước ngoài đang chiếm thị phần chi phối. Hơn 70% diện tích quầy kệ đã được ký hợp đồng với chỉ khoảng 3 nhà cung cấp lớn, và chỉ còn 20% dành cho vài nhà cung cấp nhỏ tiếp theo, 10% còn lại mới dành cho những nhà cung cấp mới. Nhà bán lẻ nội này cũng chẳng giấu giếm: tại các nhà cung cấp ngoại lớn họ không đồng ý “nhả”, hợp đồng cho họ thuê đã ký và giờ có thương DN nhỏ Việt Nam cũng ...bó tay.
Đến siêu thị, nhìn kỹ đi, một trong 3 nhà cung cấp ngoại khổng lồ kia còn chi tiền khủng để lấy luôn quyền thiết kế lại hình ảnh của toàn bộ kệ hàng theo tông màu logo của họ, mới nhìn nào đã thấy hình ảnh của sản phẩm doanh nghiệp này chi phối át hết phần còn lại.
Đó chính là những rào cản vô hình đến từ những thương hiệu nước ngoài rất mạnh đang chiếm ưu thế trong ngành bán lẻ của Việt Nam.
Cuối cùng mới nói chuyện BigC bất ngờ thông báo ngưng bán, trả hàng may mặc Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp hoang mang gọi nhau kéo đến trụ sở BigC để phản đối. Gặp trực tiếp một số doanh nghiệp, ai cũng “méo mặt” không biết sẽ đi đầu về đâu. Có chủ cơ sở may mặc nói như muốn khóc, không biết lo sao cho công ăn việc làm của mấy trăm công nhân, một nửa tổng số thợ (doanh số bigC chiếm gần 50%). Các doanh nghiệp bức xúc nhất trước tương lai gần quá bấp bênh, chứ chưa kịp thấm cảm giác của việc bị đối xử thiếu tôn trọng. BigC chắc là sẽ khéo với truyền thông rồi, nhưng họ làm gì cũng đã tính kỹ với đội ngũ luật sư hùng hậu... nên các doanh nghiệp Việt cần phải “tỉnh” hơn, phải chấp nhận một sự thật là: sẵn sàng đối mặt mọi rủi ro, bấp bênh, chèn ép khi hợp tác với những nhà bán lẻ đến từ ngoài biên giới. BigC hay những nhà bán lẻ ngoại khác, một khi họ muốn làm thì đã kiểm tra kỹ về luật, họ sẽ không sai về lý, cho nên doanh nghiệp Việt chỉ còn cách phải cẩn thận và biết tự lo cho mình.
Ba khía cạnh khác nhau nhưng cùng đề cập đến một chủ đề: chủ quyền bán lẻ chúng ta còn không? Nếu còn thì có vững chắc như cách chúng ta nghĩ không? Có lẽ chẳng khó để mà đánh giá. Không cực đoan để đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhưng phải thật sự tỉnh táo để biết ngành bán lẻ nước nhà đang ở đâu, thực lực thế nào, cần có chính sách và phương pháp quản lý nào, đừng “mị” nhau, ru nhau bằng ảo tưởng nữa!