Fica

Chê doanh nghiệp thời Covid?

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

Thường người ta ngợi ca vẻ đẹp của tự nhiên với con mắt bao dung, nhân từ. Thế nhưng dưới vẻ bề ngoài đẹp đẽ ấy là quá trình bất tận loài này trở thành thức ăn của loài kia. Thời Covid-19 này không phải là lúc chê nai, dê, thỏ chậm chân không chạy kịp, cũng như chê những con sư tử gầy còm yếu ớt không bắt được mồi.

Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Một loài tuyệt chủng sẽ kéo theo sự biến mất của các loài khác. Người ta ngưỡng mộ vẻ kiêu hùng của vua sư tử, nhưng đằng sau sức mạnh ấy là những bữa tiệc máu bi thương trên số phận hẩm hiu của bao hươu, nai, hoẵng và cả trâu rừng. Người ta phấn khích khi thấy con gấu mũm mĩm xé tổ ong ăn ngon lành, mà không nghĩ đến hình ảnh của hàng vạn con ong chăm chỉ đã mất tổ.

Thế giới doanh nghiệp của một nền kinh tế thị trường không hẳn giống hoàn toàn thế giới tự nhiên, không thấy rõ sự tiêu diệt trực tiếp trong cuộc cạnh tranh, nhưng luôn có những doanh nghiệp thất bại và những người mua tổn thất. Thường người ta ngợi ca kẻ chiến thắng và dè bỉu khinh khi người thất bại. Lại có những người mua hân hoan mà không biết túi tiền của mình vừa như bữa tiệc thịt heo dâng lên hổ báo.

Loài người từ khi biết trao đổi hàng hoá đã có những bất bình đẳng. Kẻ có sức mạnh và khôn ngoan luôn biết dành phần hơn dù các vật trao đổi là ngang giá trị. Khi đồng tiền ra đời và các nhà tư bản vào cuộc chơi thì đồng tiền nhảy múa. Người được phần nhiều thì có kẻ được ít. Người có may mắn trời cho, thì có người ngơ ngác bỗng đâu mất của. Bên cạnh đó thì hình thức “bóc lột giá trị thặng dư sức lao động” cũng còn nguyên giá trị cùng với học thuyết từ hai thế kỉ trước đây.

Một doanh nghiệp càng biết cách nâng mình lên thì cơ hội càng nhiều. Người mua trả tiền cho giá trị cấu thành sản phẩm, tiền lãi của doanh nghiệp và trả luôn cho hình ảnh doanh nghiệp. Quảng bá giờ có phạm vi rộng từ sử dụng truyền thông đến các quan hệ thân hữu và sức mạnh tổng hợp của đồng tiền. Thậm chí có những sự bơm thổi tô vẽ đến mức dẫn dụ mê hoặc được khách hàng. Chính sự chấp nhận ngọt ngào của người mua trước ánh hào quang lấp lánh của doanh nghiệp, mà người ta sẵn sàng trả thêm tiền tô đắp cho hào quang ấy.

Ở phía ngược lại, người mua sẵn sàng bắt chẹt những người bán yếu thế, những sản phẩm của những người lao động đầy mồ hôi. Rủi những sản phẩm nào trong cơ cấu giỏ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng, hàng hoá phục vụ an sinh xã hội còn bị những chính sách vĩ mô kiềm chế giá cả. Ở góc độ cả nền kinh tế, hàng hoá này đắt thì hàng hoá khác phải rẻ. Tiền lương phải dành dụm khi giá nhà đất cứ thổi lên cao, thì tiền mua gạo, thịt càng ít. Tiền mua xăng nhiều hơn, thì tiêu dùng điện phải ít đi. Con tốn tiền mua sữa thì mẹ phải bớt chi tiêu cho mình. Giá cả hàng hoá và sự tồn tại của doanh nghiệp phụ thuộc lẫn nhau trong một ma trận khổng lồ của nền kinh tế.

Lợi nhuận của doanh nghiệp nếu không phải là giá trị thặng dư sức lao động thì chính là chỗ đứng về giá trong mặt bằng giỏ hàng hoá của cả nền kinh tế. Trừ những doanh nghiệp tự mình kém cỏi so với người khác, thì các doanh nghiệp lỗ còn chịu nhiều tác động khách quan trong những hoàn cảnh rơi vào thế của kẻ thua. Người không hiểu hoạt động doanh nghiệp dễ dàng sa vào những phán xét độc địa, ngộ nhận bởi chính hiểu biết hạn chế của mình. Thời Covid-19 này không phải là lúc chê nai, dê, thỏ chậm chân không chạy kịp, cũng như chê những con sư tử gầy còm yếu ớt không bắt được mồi. Tự chúng đã là bi kịch đau đớn rồi.