Chuyên gia tư vấn chiến lược về hệ thống quản lý doanh nghiệp Đỗ Hoà:
Theo tôi thì có 2 trường hợp:
1. Là khi người ta đưa một sản phẩm vào thâm nhập thị trường mới, và cần sự hỗ trợ của một mức giá thấp hơn mức già bình thường ở các thị trường khác. Chiêu này người ta cũng sử dụng để phân biệt sản phẩm cho kênh này với kênh khác.
Người ta in câu này lên sản phẩm là để ngăn chặn việc buôn bán sang một thị trường khác nơi có giá cao hơn, làm rối loạn thị trường.
Chiêu này bây giờ ở thị trường Việt Nam người ta ít xài rồi. Một phần vì thị trường không còn ở giai đoạn mới mở cửa, còn cách biệt với thị trường khu vực như nhiều năm trước, mà đã mở toang. Hai nữa là nhờ phát triển của CNTT mà biên giới thị trường đã gần như bị xóa bỏ. Người tiêu dùng Việt Nam có thể đặt hàng bên Mỹ!
2. Là khi người ta tung ra thị trường một phiên bản, dòng sản phẩm có phẩm cấp chất lượng khác biệt so với phẩm cấp chất lượng bình thường mà người ta bán, cung cấp cho những thị trường khác.
Đối với Việt Nam thì hầu hết đó là một phiên bản sản phẩm có chất lượng kém hơn, sử dụng nguyên vật liệu có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thấp hơn, mà những nơi khác cấm, không cho phép sử dụng.
Để làm việc này, tùy theo tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh mà các nhà sản xuất đi theo hai hướng:
a) Vận dụng luật và chấp hành theo luật.
Nghiên cứu luật và khai thác khe hở của pháp luật, hoặc vận dụng một cách hiểu khác về luật theo hướng có lợi cho mình, và tìm cách giảm chất lượng sản phẩm bằng cách thay đổi công thức chế tạo, hoặc thay đổi thành phần, nguồn gốc nguyên vật liệu, nhưng vẫn được xem là chấp hành đúng theo luật định.
b) Ứng phó với người thực thi luật.
Các doanh nghiệp này bất chấp luật qui định thế nào, họ cứ tìm cách cắt bớt cộng đoạn sản xuất, thay thế nguyên liệu chính bằng những nguyên liệu khác rẻ tiền hơn, rồi sử dụng phụ gia hóa chất để tạo ra hương vị như sản phẩm sử dụng nguyên liệu thật. Khi có đoàn kiểm tra thì họ nói chuyện với đoàn để được thông cảm mà cho qua.
Tại sao tôi kêu gọi chấm dứt tình trạng "sản phẩm chỉ dành cho thị trường Việt Nam" này?
- Trước hết là để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.
Việc này tôi đã nêu lên cách đây nhiều năm khi thấy các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng uy tín thương hiệu để đè bẹp các doanh nghiệp trong nước.
Uy tín thương hiệu của họ trên thế giới được hình thành từ chất lượng sản phẩm được kiểm soát và đảm bảo bởi những nơi có luật pháp rất khắc khe như Châu Âu, Mỹ, Nhật. Nhưng khi đến Việt Nam, sản phẩm ấy chỉ còn lại cái tên. Nội hàm bên trong sản phẩm đã được thay đổi gần như hoàn toàn.
Nó không còn là những nguyên liệu được chọn lọc với những tiêu chuẩn khắc khe, nó không còn đúng tiêu chí chỉ dùng nguyên liệu từ vùng nọ vùng kia cung cấp, nó không còn là chỉ sử dụng những hóa chất bảo quản, tạo màu đã qua thử nghiệm nhiều năm, được tổ chức nọ tổ chức kia công nhận là vô hại với người...
Nó cũng không còn được sản xuất với một qui trình đầy đủ nhằm để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo nữa, mà đã trở thành một qui trình thuộc loại "giống ngắn ngày". Người ta lượt bỏ, căt bớt những công đoạn được đưa vào để đảm bảo khử hết chất độc, thanh trùng. Hoặc họ chỉ làm cho có để đối phó khi có kiểm tra.
Tôi cho rằng đây là một sự bất công đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nên đã từng kêu gọi chính phủ kiểm tra nhằm đảm bảo là các sản phẩm sử dụng thương hiệu nước ngoài thì phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà họ đã công bố ở quốc gia xuất xứ, hoặc họ phải dùng một nhãn hàng khác.
- Hai là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng Việt Nam.
Các bạn nào đã đi nước ngoài thì đều có thể dễ dàng nhận ra một thực tế đau lòng rằng, cũng những thương hiệu ấy, loại bao bì ấy, nhưng sản phẩm bán ở Singapore, ở Châu Âu, ở Châu Mỹ thì chất lượng cao hơn (ngon hơn, thơm hơn, bền hơn, đẹp hơn, an toàn hơn...) những thứ mà người ta đang bán ở Việt Nam. Trong khi về mặt giá cả thì với nhiều sản phẩm, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả với một mức giá cao hơn!
Nói một cách khác, tình trạng phổ biến hiện nay là chúng ta đang trả giá cao hơn cho những sản phẩm kém chất lượng hơn, từ xe hơi cho đến chai dầu gội đầu, bịch xà phòng giặt, tuýt kem đánh răng, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống...
Nhiều người, những người có hiểu biết và có điều kiện, họ đã chuyển sang dùng đồ nhập khẩu từ lâu, số khác thì tự sản tự tiêu, còn chúng ta thì sao?
Tình trạng này cho thấy rằng các cơ quan quản lý đã không làm tròn trách nhiệm của mình để bảo vệ doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng Việt Nam. Là người dân chúng ta không thể ngăn cấm họ nói chuyện rồi thông cảm, thỏa hiệp với các doanh nghiệp làm bậy.
Chúng ta cũng không thể trông chờ vào đạo đức của người kinh doanh các bạn ạ, mà chúng ta phải giúp một tay để họ kinh doanh một cách có trách nhiệm hơn.
Bằng cách này chúng ta cũng giúp bảo vệ những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích của chính chúng ta.