Fica

Câu chuyện định giá tài sản

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hoá (CPH) thì được định giá lại. Ý nghĩa của việc này là NN tìm cách bán được giá cao nhất.

Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Giá trị của tài sản đã được hình thành trong quá khứ, giá trị khi bán là giá trị còn lại sau khi đã trừ đi giá trị hao mòn. Bán cao hơn giá trị còn lại thì người bán lợi, người mua thiệt. Tổng tài sản của xã hội chẳng có thay đổi gì.

Rất nhiều tài sản cố định của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã hết khấu hao, khi cổ phần hoá (CPH) lại bị áp một giá trị nhiều khi bằng 20% đến 40% giá trị mua mới. Thậm chí để cố tình định giá cao, người ta lại áp đặt tăng nguyên giá cao hơn nhiều giá trị sổ sách, mà lẽ ra chỉ cần áp đặt giá trị còn lại là được. Trong khi đó, giá mua bán tài sản cũ trên thị trường là vô cùng, phụ thuộc nhu cầu người mua và người bán có gặp nhau hay không.

Với chủ trương nhà nước bán được tài sản doanh nghiệp với giá càng cao càng tốt, nên các đơn vị định giá luôn có xu hướng ép doanh nghiệp để nhà nước được lợi tối đa. Thường khi doanh nghiệp đã định giá cao hơn thì khi bán cổ phần ra công chúng lại còn bán với giá cao hơn nữa.

Ví dụ, tài sản 100 tỷ đồng, định giá 150 tỷ đồng, bán cổ phần thu về 200 tỷ đồng. Nếu được như thế, CPH được coi là thành công, nhà nước hoan hỉ. Thực tế, nhà nước lợi thì người dân thiệt (dù tài sản nhà nước được coi là sở hữu toàn dân).

Thị trường là vậy, bán được cao không hẳn đã là hợp lý, nhưng vẫn có người mua. Một thiết bị gia công đã hết khấu hao có nghĩa là giá thành hàng hoá sản xuất không có chi phí khấu hao. Sau khi CPH chi phí khấu hao lại tăng lên. Doanh nghiệp hoặc là phải tăng giá bán (khách hàng thiệt), hoặc phải chấp nhận lợi nhuận giảm đi so với trước CPH (cổ đông thiệt).

Khi nước Đức thống nhất, nền kinh tế hai miền khó có thể hội nhập vì kinh tế phát triển ở mức độ rất khác nhau. Trước đó các cơ sở sản xuất ở Đông Đức trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì không sao, giờ không thể cạnh tranh được với hàng hoá Tây Đức. Khi đó nhiều nhà máy ở Đông Đức được nhà nước thống nhất bán tượng trưng với giá 1 DM. Các nhà máy này tận dụng được các tài sản có giá trị bằng 0 thì mới có thể có giá thành rẻ hơn và dần dần có thể đứng được trong cơ chế thị trường.

Ta thì có quan niệm nhà nước bán gì đó rẻ là thất thoát, chứ không nghĩ là dân được lợi. Nhiều khi nhà nước bán rẻ nhà máy thì tư nhân có điều kiện làm cho nhà máy phát triển, đóng góp nhiều cho nền kinh tế. CPH thu được tiền nhiều cho nhà nước nhưng doanh nghiệp lại không hoạt động được nữa thì còn tồi tệ hơn. Đất đai nhà nước bán quyền sử dụng cho doanh nghiệp hoặc cho dân, thì tiền thu được là tiền dân cả, rẻ dân lợi, đắt dân thiệt. Chỉ có đồng tiền rơi vào túi cá nhân tham nhũng thì mới gọi là thất thoát.

Một mặt hàng thiết yếu là điện, sắp tới đây nếu EVN thực hiện CPH thì nhà nước cũng sẽ định giá như cách đang làm. Có nhà máy như Thuỷ điện Hoà Bình đã hết khấu hao, giá sổ sách từ trước có khi chỉ khoảng 1 tỷ đồng, giờ định giá lại có thể giá trị tài sản sẽ tăng gấp cả nghìn lần.

Khi đó giá thành điện sản xuất sẽ tăng lên, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn là chắc chắn. Ta cũng đang phấn khởi khi thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, giá trị xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Nếu ta không giảm giá thuê đất, không bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng thì liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư như thế không.

Trong trường hợp này nhà nước thiệt vì giảm thu, nhưng lại không bị coi là thất thoát, dư luận cũng không nói gì. Nếu các doanh nghiệp trong nước và tư nhân mà nhận được các ưu ái ấy có khi lại bị soi rất nhiều. Không có ưu ái thì các doanh nghiệp Việt đành ngậm ngùi khi nhìn người ngoài đến làm ăn. Công nghệ cao thì còn bảo khó, chứ đến nuôi heo và thức ăn gia súc cũng nhường hết cho người ngoài.

Mọi câu chuyện cuộc sống giờ đều có ngọn ngành cả. Suy nghĩ rộng ra thì sẽ ngộ ra nhiều vấn đề. Câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai đang xôn xao là câu chuyện tổng thể cơ chế chứ không phải là việc giải quyết hiện tượng.

Nhà nước duy trì bệnh viện công nào thì hãy đầu tư đàng hoàng như cách Cuba hay Thailand bên cạnh ta đang làm. Còn lại hãy thực hiện xã hội hoá, để cho tư nhân quản lý và vận hành. Cơ chế nửa nạc nửa mỡ, nửa công nửa tư trong bệnh viện công thì nó sẽ có hiện tượng như vừa rồi.

Đã có yếu tố tư nhân thì phải tôn trọng quy luật thị trường. Nhà nước thì muốn tài sản của mình được định giá tối đa, thì tư nhân tối đa hoá lợi nhuận cũng là phù hợp quy luật. Giá đi taxi phải khác giá xe bus, nếu không ai cũng thích đi taxi hết. Chỉ nên trừng phạt khi các cá nhân tham nhũng, còn tham nhũng gắn với thuộc tính “chạy” của cơ chế, thì hãy trừng phạt những người tìm cách duy trì cái thuộc tính ấy.