Fica
  1. Góc nhìn

Cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Trương Trọng Nghĩa
Trương Trọng Nghĩa

Theo nhiều người, tuyến đường sắt không có lợi cho Việt Nam, vì vậy cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội TPHCM

Dự án đường sắt liên vận có tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng đi qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Tôi thấy đây là quy hoạch cũ, từ năm 2015, vì vậy quá trình triển khai phải rà soát. Vì sao? Quy hoạch có nghĩa là xây dựng cho tương lai, nhưng tình hình thực tế thì luôn luôn thay đổi.

Tôi cho rằng, quy hoạch phải luôn luôn được rà soát về tính hợp lí của dự án, hiệu quả, đối chiếu với các yếu tố hiện tại như an ninh quốc phòng, quan hệ trong nước và quốc tế, địa chính trị, tính cấp bách, trật tự ưu tiên, tình hình kinh tế và khả năng tài chính, nợ công, đầu tư công... 

Cho dù tuyến đường sắt đã được quy hoạch thì đó cũng là quy hoạch của nhiệm kỳ cũ và nhiệm kỳ này phải rà soát lại. Không chỉ là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mà tất cả các quy hoạch, kế hoạch khác đều luôn phải rà soát, cập nhật để xem có còn phù hợp lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia. 

Một trong những ví dụ điển hình mà Quốc hội đã từng làm là nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, dự án này không phải là trong giai đoạn quy hoạch mà đã bắt đầu triển khai, nhưng sau khi rà soát thì quyết định không làm nữa.

Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng đã có những chuyên gia kinh tế nói về hiệu quả của dự án này. Họ cho rằng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Còn theo quan điểm của tôi, phải xem xét trong bối cảnh hiện nay Dự án có còn hợp lí nữa không, trước hết là xem lại mục đích của dự án là gì.

Trước kia, tuyến đường sắt có thể đã được tính toán để gắn kết với miền Tây Trung Quốc, phục vụ sáng kiến “hai hành lang, một vành đai” gì đó. Nhưng nay tình hình đã khác rất nhiều, tuyến đường này liệu còn phù hợp nữa không thì phải rà soát lại.

Ngay cả quốc tế, có những hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có những nước tham gia ban đầu, nhưng sau khi tính toán lại về lợi ích của họ thì họ rút và không tham gia nữa, như Mỹ; hay như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu... Đó là việc rất bình thường. 

Quan điểm của tôi là mọi quy hoạch luôn luôn phải được rà soát, trong khi chuẩn bị thực hiện nhưng phải cập nhật, rà soát tính hợp lí, tính hiệu quả của dự án có còn hay không. Phải đối chiếu với trật tự ưu tiên trong tình hình mới, khả năng tài chính có còn phù hợp...

Tôi cho rằng nên ưu tiên cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sau này là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành và còn nhiều dự án hạ tầng khác. Theo tôi, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không còn ưu tiên nữa, đối với Việt Nam lợi ích từ dự án đường sắt cần được xem xét lại.

Về vấn đề phía Trung Quốc đã chủ động tài trợ cho Việt Nam 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 33 tỷ đồng) để phục vụ nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng này, tôi cho rằng tài trợ là việc bình thường, đó chỉ tài trợ ban đầu, nhằm mục đích để khảo sát, nhưng nếu nước chủ nhà thấy không phù hợp thì có thể không làm, không sao cả. Nhiều nước cũng hỗ trợ Việt Nam như vậy. 

Mức tài trợ 33 tỷ đồng là số tiền không lớn. Tôi chưa hiểu việc tài trợ này có kèm theo điều kiện gì hay không, nhưng dù là gì đi nữa, nếu có những cam kết để nhận tài trợ trước đây, nay rà soát lại, đối chiếu lại mà thấy không có lợi cho đất nước, không có lợi cho nhân dân thì phải bỏ.

Còn nói về bức xúc của công chúng, có thể thấy, các dự án Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia chậm phát triển, đang phát triển đều không tốt, các công trình rất tốn kém, chất lượng không tốt, không đóng góp nhiều lợi ích cho các quốc gia đó.

Ở Việt Nam, đã có những bài học nhãn tiền như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Do đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm, xem xét, cân nhắc kỹ. Nếu cứ tiếp tục lao vào thì nhân dân, cử tri có thể đặt câu hỏi: Vì lí do gì mà cứ tiếp tục dẫm vào vết xe đổ như vậy?”.

Trên thực tế, chủ trương, chính sách của Trung Quốc khi đầu tư vào các nước nghèo ở châu Á, khu vực châu Phi, châu Mỹ La Tinh... thì các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc thường áp dụng “bẫy nợ”, thậm chí mua chuộc, lo lót, trong khi khả năng tự vệ, kiểm soát của các nước này trước Trung Quốc lại không hiệu quả. 

Đã có những ví dụ nhãn tiền về việc này, nên người dân, cử tri có quyền đặt câu hỏi về tính tối ưu, hài hòa, minh bạch của các lợi ích, bởi chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về sự “lợi bất cập hại” khi hợp tác với Trung Quốc.