Năm 2017, theo WTO, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7%. Thế nhưng năm 2018, mức tăng trưởng này có thể sẽ khó dự đoán hơn và biên độ dao động 3,1% - 5,5%. Ðiều này là do sự “bất trắc” trong chính sách thương mại của các nước lớn. Như vậy, sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế tất cả các quốc gia.
Điều tôi lo ngại là, nếu những căng thẳng này không được giải quyết, chuỗi sản xuất có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Ðiều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù họ không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài “vòng xoáy” này, nhất là khi chuỗi sản xuất sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp thị trường.
Rất may cho Việt Nam khi trong ngắn và trung hạn, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia XK hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm ở vị trí cuối trong chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới.
Ví dụ ngay như mặt hàng thép của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì XK sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Thực tế thời gian qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp sắt thép, xi măng của Việt Nam thuộc dạng này. Do đó, Việt Nam phải cẩn trọng.