Ông Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí, tuy nhiên, phương tiện giao thông có đóng góp ô nhiễm nhiều nhất và là “thủ phạm” chính. Theo một số nghiên cứu, các phương tiện giao thông gây ra 55 - 60% lượng khí thải độc ra môi trường.
So với các quốc gia trong khu vực châu Á,Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều xe máy nhất trong các phương tiện giao thông chính gồm xe con xe máy, xe buýt, đường sắt, bán công cộng. Cụ thể, tại Hà Nội, 85% phương tiện được sử dụng là xe máy, 11% xe buýt, 5% là xe con. Tại Tp.HCM, 91% là xe máy, 2% xe con, và 2% là xe buýt.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, các loại khí được thải ra từ các phương tiện giao thông là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh như: giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hoá phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi...
Để giải quyết vấn đề này, tôi ủng hộ đề xuất cấm xe máy. Đồng thời trong tương lai, Việt Nam nên hạn chế tất cả các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng, trong đó có ô tô di chuyển trong đô thị.
Thay vào đó, khuyến khích người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, trong tương lai sẽ có xe điện hoặc đường sắt trên cao.
Cấm xe máy và hạn chế ô tô cá nhân đang là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Để làm được điều này, Việt Nam cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển tương ứng.