Fica
  1. Góc nhìn

Cái giá của an ninh lương thực

Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức

Bảo đảm an ninh lương thực là điều rất quan trọng. Nạn đói nhiều khi còn đáng sợ hơn dịch bệnh.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Có rất nhiều biện pháp chính sách để giúp bảo đảm an ninh lương thực như: cấm xuất gạo, duy trì diện tích lớn đất trồng lúa, dự trữ bắt buộc... Các biện pháp này giúp bảo đảm an ninh lương thực, nhưng nó cũng đi kèm với cái giá không hề nhỏ.

Cấm xuất khẩu gạo có thể giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong ngắn hạn. Nhưng đổi lại thì nó cũng có nhiều tác động xấu. Đầu tiên là làm giảm giá lúa gạo trong nước, khiến người nông dân chịu thiệt hại còn người tiêu dùng thì lại được mua gạo giá rẻ. Tiếp đó là ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo khi mà không bán được hàng, mất hợp đồng với đối tác. Cuối cùng là ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế với các nước mua gạo và có thể sẽ bị trả đũa bằng cách khác.

Duy trì diện tích đất trồng lúa là biện pháp dài hạn nhằm bảo đảm cung lúa gạo luôn dư thừa. Mà cái gì thừa cũng đều rẻ mạt. Tương tự như trên, nó khiến nông dân thiệt hại còn công nhân, thị dân thì được hưởng lợi vì giá lúa gạo thấp.

Dự trữ bắt buộc thì bảo đảm an ninh lương thực nhưng đổi lại là tốn kém chi phí lưu kho và tổn thất cả số lượng lẫn chất lượng gạo. Nhà nước hiện không chịu chi phí này mà bắt các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải chịu thông qua quy định dự trữ lưu thông 5% sản lượng 6 tháng.

Rốt cục, với chính sách hiện nay thì người được hưởng lợi nhất là thị dân đô thị và công nhân. Nhóm này chẳng phải đóng góp gì mà vẫn được hưởng lợi từ nguồn cung lương thực luôn sẵn có và rẻ mạt. Nhóm này lại là nhóm to mồm nhất trên mạng xã hội, báo chí và có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách. Còn người chịu thiệt nhiều nhất vẫn luôn là nông dân.