Fica
  1. Góc nhìn

Cải cách pháp lý sẽ làm tăng M&A

Nguyễn Lan Phương
Nguyễn Lan Phương

Trong bối cảnh thuế quan cắt giảm theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đem đến cả thách thức và cơ hội cho các nhà đầu tư thông qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A).

Nguyễn Lan Phương, Luật sư của Công ty Luật Baker & McKenzie (Vietnam) Ltd

Một thập kỷ sau khi gia nhập WTO, một trong những cách thức mà Việt Nam sử dụng để củng cố thị trường ngày càng phát triển của mình và tận dụng những cơ hội mà WTO mang lại chính là việc tham gia nhiều FTA khác nhau. 

Cho đến nay, con số FTA mà Việt Nam tham gia đã lên đến 17 - với nhiều đối tác thương mại là các cường quốc, bao gồm FTA với ASEAN+6 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những FTA mới này được kỳ vọng sẽ thiết lập được một khuôn khổ quốc tế chung mới, nhằm hỗ trợ thương mại, thu hút thêm đầu tư, kích thích cải cách thể chế và cải thiện minh bạch trong môi trường đầu tư của các quốc gia như Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu vì sao Việt Nam lại cần phải tham gia nhiều FTA đến như vậy. Từ góc nhìn của Chính phủ, lý do có thể là việc có nhiều FTA với các đối tác thương mại khác nhau sẽ giúp mở ra nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau và giảm thiểu sự phụ thuộc vào bất cứ một thị trường xuất khẩu đơn lẻ truyền thống nào, hoặc giảm thiểu sự phụ thuộc của Việt Nam vào một số nguồn vốn nhất định.

Trong khi cần phải có thêm thời gian và các khảo sát độc lập để xem rằng, các FTA có đem lại nhiều lợi ích như Chính phủ mong muốn hay không, thì điều có thể khẳng định được chính là cả môi trường đầu tư và khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam đã dần được cải thiện như là một phần của việc thực hiện các cam kết FTA. Việc cải thiện này được kỳ vọng sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý đang có nhiều nỗ lực cải cách.

Trong 3 năm qua, Việt Nam đã ban hành một số luật quan trọng, như Bộ luật Dân sự mới, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Cạnh tranh. Một số luật quan trọng khác cũng được đề xuất sửa đổi, như Luật Đất đai, Luật Chứng khoán, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số nghị định mà người dân và doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu. Đó là Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nghị định 09/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại.

Các văn bản pháp lý này đã có tác động rất tích cực đến môi trường kinh doanh. Những nỗ lực cải thiện quy định pháp lý này đã giúp mở đường cho một nền kinh tế có tính thị trường hơn và giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư vào các ngành dịch vụ mới.

Nói một cách đơn giản, những thay đổi pháp lý đã giúp Việt Nam duy trì được vị trí là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới và đã giúp tạo ra một môi trường mà trong đó có nhiều cơ hội về M&A cho các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2017, tổng số vốn nước ngoài thông qua M&A tại Việt Nam là hơn 10 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2016.

Chính sách thoái vốn đang được thực hiện của Chính phủ là một trong những động lực của xu hướng M&A. Vào tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/2017/QD-TTg phê chuẩn danh mục 406 DNNN phải thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020. Vinamilk và Sabeco nằm trong số những thương vụ lớn mà Chính phủ bán vốn của mình tại những doanh nghiệp lớn.

Cho đến nay, nhiều nhà đầu tư vẫn coi thương vụ ThaiBev ôm trọn gần 54% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức giá cao kỷ lục 4,8 tỷ USD là một thương vụ lớn, hiểu theo nhiều cách. 

Thương vụ này đã phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sức tiêu thụ bia của người Việt Nam và thu nhập khả dụng đang ngày càng tăng của họ. Nhìn rộng hơn, thương vụ này thể hiện 2 điều: nhà đầu tư nước ngoài cam kết làm ăn lâu dài tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng trưởng và Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN.