Ông Đinh Minh Tuấn, Chuyên gia kinh tế
Một thực tế, đó là hầu hết những doanh nghiệp lớn trong những ngành nghề quan trọng hiện nay đều là do doanh nghiệp nhà nước chi phối.
Trong gần hai thập kỉ qua nhiều DNNN đã được cổ phần hoá, tuy nhiên quá trình này được đánh giá là còn chậm và chưa triệt để. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn là nhà nước chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối, được hưởng nhiều ưu đãi và giữ thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực.
Hy vọng duy nhất đẩy nhanh quá trình này sắp tới đó là “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thực hiện tốt vai trò của mình. Khi tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng hơn thông qua xóa bỏ đặc quyền về tiếp cận tín dụng, đất đai, hỗ trợ giá, chế độ ngân sách mềm… đối với các DNNN, hiệu quả của nền kinh tế sẽ được nâng lên.
Một nguyên nhân khác cũng được chúng ta đề cập đến khá nhiều và đến nay cũng chưa nhiều thay đổi, đó là câu chuyện “doanh nghiệp sợ không dám lớn”.
Vì một môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, cạnh tranh, có nhiều rủi ro về thể chế, pháp lý... khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân sợ “lớn”. Và để giải quyết vấn đề này, cần tạo được niềm tin cho doanh nghiệp bằng những nỗ lực thực sự.
Bản thân những người đi kinh doanh, họ chấp nhận cạnh tranh, họ cố gắng phục vụ tốt để bán được hàng hoá, dịch vụ. Mong muốn cạnh tranh công bằng, lành mạnh là mong muốn cao nhất của các doanh nghiệp.
Gặp môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng… thì doanh nghiệp nhỏ sẽ phát triển lên thành doanh nghiệp lớn một cách tự nhiên. Nếu còn thiên vị đơn vị này đơn vị kia, đặc quyền đặc lợi cho doanh nghiệp này doanh nghiệp kia từ đầu vào như đất đai, vốn… cho đến đầu ra như chỉ định thầu thì môi trường ngày càng méo mó. Làm nản lòng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng đừng có nhũng nhiễu, để họ yên tâm làm ăn… như vậy là “hỗ trợ” lắm rồi.