Fica
  1. Góc nhìn

Bạn "nướng" tiền vào đâu?

Nguyễn Hồng Điệp
Nguyễn Hồng Điệp

Có thể mất tiền trong 1-2 lần quyết định sai, nhưng không thể "nướng" tiền vô lý, dựa vào cảm xúc cá nhân, thiếu tri thức và chất xám.

Khi bước chân vào casino, ai cũng mong là người thắng cuộc. Ở một số môn như Poker cash game, khi người chơi đấu với nhau, nhà cái sẽ thu rake theo từng ván. Thu rake để bù lại chi phí tổ chức, trả lương, mặt bằng, điện, nước. Điều này là công bằng. Tuy nhiên, nếu player tham gia liên tục nhiều hand quá, điều gì sẽ xảy ra. Hãy nhớ là số hand thắng luôn chiếm tỷ lệ rất thấp, đại đa số là thua. Khi đó, chi phí rake sẽ "ngốn" hết toàn bộ bankroll của bạn.

Trong chứng khoán (CK) khi bạn giao dịch, bạn cũng sẽ mất các chi phí. Công thức tính lợi nhuận như sau:

L = S(n) - S(o) - [C(gd) + C(tc) + C(tv)] , trong đó:

  • S(n) - Tổng giá trị ngày bán CK.
  • S(o) - Tổng giá trị ngày mua CK (T0).
  • C(gd) - Chi phí giao dịch, bao gồm phí gd, thuế.
  • C(tc) - Chi phí tài chính (lãi vay, lãi ứng).
  • C(tv) - Chi phí tư vấn.

Nhìn vào công thức này, chúng ta nhận thấy muốn L (lợi nhuận) cao, phải làm sao mua đúng mã, ra vào đúng thời điểm. Và cũng phải làm sao tiết kiệm C ở mức hợp lý nhất. Để có thể "chơi" chứng khoán, Sở Giao dịch phải đầu tư hạ tầng, các CTCK phải đầu tư công nghệ, con người, ... Cho nên, việc phải mất chi phí là hợp lẽ, rất công bằng. Câu hỏi đặt ra ở đây, chi phí đó chiếm tỷ trọng bao nhiêu là hợp lý.

Cách đây 4 năm, tôi đã từng làm một báo cáo tổng kết về tần suất giao dịch của NĐT tại 1 CTCK lớn. Kết quả cho ra như sau: 77% số nhà đầu tư không giữ chứng khoán quá 12 ngày. Đại bộ phận nhà đầu tư là cá nhân, giao dịch khá cảm tính. Hầu hết hiện nay C(tv) = 0. Chính vì nhà đầu tư không chú trọng vào tư vấn, chủ yếu tự phân tích thông tin, cùng lắm là nghe môi giới "phán", cho nên C(gd) và C(tc) bị rất cao.

Cũng có nhiều môi giới rất có tâm, tư vấn cho khách hàng một cách trung thực, khách quan. Nhưng do bị xung đột cơ chế thu nhập từ giá trị giao dịch của khách hàng, làm cho điều này cũng bị hạn chế. Chỉ khi nào C(tv) được định danh sòng phẳng, độc lập, giống mô hình các công ty tư vấn nước ngoài, thì nhà đầu tư sẽ không bị "quay" như tình trạng chung hiện tại.

Trong một cuộc chơi có lúc đúng, lúc sai. Nhưng luôn phải hướng đến sự hoàn thiện. Có thể mất tiền trong 1-2 lần quyết định sai, nhưng không thể "nướng" tiền vô lý, dựa vào cảm xúc cá nhân, thiếu tri thức và chất xám. Những lúc thị trường biến động mạnh, hãy thật bình tĩnh, nhắm mắt lại, suy gẫm về mọi điều xa hơn. Đặc biệt, hãy luôn coi trọng giá trị tư vấn. Chỉ có như vậy, mới có thể bảo vệ tiền và tiết kiệm chi phí cho chúng ta.