SPP đang hoạt động bình thường song bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bốn tháng sau quyết định của Toà án mới công bố thông tin phá sản
Trong phiên giao dịch hôm nay (30/3), cổ phiếu SPP của Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn đã giảm sàn xuống mức giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cho đến thời điểm này, SPP đã “bốc hơi” tới gần 94% giá trị so với thời điểm mới niêm yết và đánh mất hơn 52% so với thời điểm đầu năm.
Tình trạng tháo chạy khỏi cổ phiếu SPP diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa bị Toà án nhân dân TPHCM ban hành quyết định mở thủ tục phá sản ngay trong khi vẫn còn niêm yết trên HNX.
Quyết định của Toà án được ban hành sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Tân Việt Sinh (Tavisco - nhiều khả năng là một chủ nợ của SPP) đối với SPP và xét thấy có các căn cứ chứng minh SPP mất khả năng thanh toán. Đơn vị được chỉ định làm quản tài viên là Công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt.
Toà án thông báo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên. Trong đó, các chủ nợ nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp phải trả, kèm theo tài liệu chứng minh. Hết thời hạn, các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.
Đáng chú ý là quyết định trên được công bố trên trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 26/3/2020, gần 4 tháng kể từ khi Tòa án nhân dân TPHCM ban hành. Thông tin này cũng không công khai trên website của HNX.
SPP là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bao bì màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy cao cấp và bao bì kim loại và kinh doanh nguyên liệu bao bì nhựa, bao bì giấy, kim loại và thiết bị máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành in, ngành sản xuất bao bì...
Kể từ khi niêm yết trên sàn HNX năm 2008, SPP có doanh thu liên tục tăng trưởng. Đến năm 2018, SPP vẫn đạt 1.106,7 tỷ đồng doanh thu, tăng so với con số 1.049,5 tỷ đồng của năm 2017. Tuy vậy, lãi trước thuế đã giảm từ 27,5 tỷ đồng năm 2017 xuống còn gần 17 tỷ đồng trong năm 2018. Tình trạng của SPP xấu đi trong năm 2019.
Quyết định Toà án có từ cuối tháng 11/2019 nhưng phải cuối tháng 3/2020, cổ đông nhỏ lẻ mới tiếp cận được thông tin này
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng
Ngày 27/3 vừa rồi, số liệu báo cáo tài chính năm 2019 (đã được kiểm toán) của SPP mới được bố khai trên website của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tại bản báo cáo tài chính này, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán TTP đã nêu ý kiến ngoại trừ với một số vấn đề. Cụ thể, theo lưu ý của kiểm toán viên, SPP vẫn còn nợ một ngân hàng số tiền 396,5 tỷ đồng; nợ một ngân hàng khác, chi nhánh Phú Nhuận số tiền 46,1 tỷ đồng.
Số nợ của SPP tại Ngân hàng TNHH INDOVINA - Chi nhánh Chợ Lớn gần 30 tỷ đồng; tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - Chi nhánh Sài Gòn là 130 tỷ đồng và tại một ngân hàng khác, Chi nhánh Sài Gòn là gần 70 tỷ đồng. Tổng số dư vay quá hạn của SPP tính đến ngày 31/12/2019 là 707,6 tỷ đồng.
Kiểm toán viên cũng cho biết, SPP chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả năm 2019 vào kết quả kinh doanh trong năm. Tổng chi phí lãi vay theo ước tính của đơn vị kiểm toán là 56,4 tỷ đồng.
Theo thư giải trình của Ban Giám đốc SPP, trong kỳ, công ty chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả cho năm 2019 và kết quả kinh doanh doanh vì công ty và các tổ chức tín dụng đang trong quá trình thương lượng và chưa có sự thống nhất về số lãi vay phải trả đối với từng hợp đồng tín dụng.
Một năm thất bát, toàn bộ vốn liếng “đổ sông đổ bể”
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh: Đến thời điểm 31/12/2019, nợ phải trả ngắn hạn của SPP đã lớn hơn tài sản ngắn hạn với số tiền 618,4 tỷ đồng trong khi lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên tới 690,4 tỷ đồng.
SPP còn bị âm vốn chủ sở hữu với số tiền 438,5 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 sụt mạnh. “Khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu” - kiểm toán viên cho biết.
Theo kiểm toán viên, báo cáo tài chính tổng hợp của SPP không bao gồm điều chỉnh nào liên quan đến tính không chắc chắn và khả năng hoạt động liên tục của SPP.
Số liệu công bố tại bảng cân đối kế toán SPP thể hiện, đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này có 864 tỷ đồng nợ phải trả thì trong đó có 847,2 tỷ đồng nợ ngắn hạn (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với con số 736,4 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2019 âm 438,5 tỷ đồng. Con số này đầu năm còn đạt dương 283,8 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế phát sinh là do con số lỗ của năm 2019 lên tới 720,4 tỷ đồng đã xoá sạch mọi thành quả lợi nhuận chưa phân phối đạt được của những năm trước đó.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong năm 2019, SPP đạt 255,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 77% so với năm 2018. Số doanh thu này không đủ bù giá vốn khiến lợi nhuận gộp bị âm 369,1 tỷ đồng.
Phải chi trả thêm chi phí tài chính (với lãi vay lên tới 23,1 tỷ đồng), chi phí bán hàng và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 27,9 tỷ đồng năm 2018 lên 325,3 tỷ đồng năm 2019 đã dẫn đến khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của SPP là 719,4 tỷ đồng.
Lãnh đạo SPP cho biết, năm vừa rồi, SPP thực hiện xử lý và thanh lý hàng tồn kho, công cụ dụng cụ kém phẩm chất làm lỗ 513,1 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ từ việc kết chuyển số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang và kết quả kinh doanh số tiền trên 126 tỷ đồng. Việc xử lý kế toán đã được HĐQT thông qua tuy nhiên chưa được công bố thông tin kịp thời.
Trong năm, doanh thu giảm 77% so với năm 2018 xuất phát từ tình trạng bị mất thị phần trong hoạt động sản xuất.
Mai Chi