Fica
  1. Doanh nghiệp

Vụ vỡ đập Gyps thải ở Lào Cai: Tiếp tục điều tra, xác định rõ trách nhiệm

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Theo đánh giá ban đầu nguyên nhân vụ vỡ đạpp là do độ cao đê bao quanh bãi thải chứa Gyps khá lớn, lượng nước chứa trong hồ khá nhiều (do mưa dài ngày với cường độ lớn). Tuy nhiên, sự cố cũng có nguyên nhân là Công ty DAP số 2 không có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Hiện trường vụ vỡ đập Gyps thải ở Lào Cai.


Như PV đã thông tin, ngày 7/9 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai đã xảy ra sự cố tràn và vỡ đê bao (chiều dài thân đê bao bị vỡ khoảng 45m) bãi chứa thạch cao PG (Gyps) của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Sự cố đã khiến 45.000m3 nước thải có đặc tính axit tràn ra suối Mã Ngan và suối Trát, suối Hoai và suối Phú Nhuận ra sông Hồng tại địa phận huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay sự cố vỡ đập đã cơ bản được khắc phục.

Cụ thể, Công ty DAP số 2 đã tiến hành thi công và khôi phục đoạn đập bị vỡ bằng giải pháp đắp đê quai phía trong điểm bị vỡ, chiều cao đắp mới hơn 2m. Ngay trong đêm 7/9, công ty đã khống chế hoàn toàn nguồn nước trong hồ thải chảy ra ngoài. Đến chiều 9/9, công ty đã đắp xong bờ bao mới khu vực đập bị vỡ với chiều cao 4m, thân đập được lu nền đảm bảo kết cấu an toàn, lót các tấm HDPE chống thấm. Công ty cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ tuyến đê còn lại để đảm bảo nếu xảy ra mưa lớn cũng không để xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, Công ty DAP số 2 cũng đã sử dụng 710 tấn vôi bột để trung hòa axit dọc theo các dòng suối bị ô nhiễm. Kết quả đo nhanh giá trị pH ngày 9 và 10/9 và liên tục sau đó trên các suối bị ảnh hưởng đều ở ngưỡng trên 6,0 đến trên 7,0. Kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng cho thấy giá trị pH tại các vị trí lấy mẫu vào các thời điểm khác nhau trên sông Thao đoạn chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái đều nằm trong giới hạn cho phép.

Về thiệt hại của sự cố nêu trên, báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai cho hay đến ngày 10/9, có 35 hộ dân thuộc Tổ dân phố số 7 nằm dưới chân bãi Gyps thảo và 3 tổ chức bị ảnh hưởng, không có thiệt hại về người, giá trị kinh tế thiệt hại ước tính là 3 tỷ đồng.

Sự cố xảy ra gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm và môi trường trường đất trên diện rộng tại các khu vực có bùn thải tràn qua; các hộ dân sống tại các khu vực bị ảnh hưởng không sử dụng được nguồn nước mặt để sinh hoạt và tưới tiêu.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn Hóa chất và Công ty DAP số 2 đã hỗ trợ 7 triệu đồng và tạm ứng 10 triệu đồng đền bù cho mỗi hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng.

Hiện tỉnh Lào Cai đang phối hợp với Tập đoàn Hóa chất và Công ty DAP số 2 để lập phương án hỗ trợ di dời các hộ dân trong phạm vi có nguy cơ ảnh hưởng từ bãi Gyps.

Về nguyên nhân sự cố nêu trên, theo đánh giá ban đầu của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là do độ cao đê bao quanh bãi thải chứa Gyps khá lớn, lượng nước chứa trong hồ khá nhiều (do mưa dài ngày với cường độ lớn) dẫn đến nước thải ngấm qua thành đập gây nhũn đất và gây ra sự cố vỡ đập chứa Gyps thải.

Tuy nhiên, sự cố cũng có nguyên nhân là Công ty DAP số 2 không có các biện pháp ứng phó kịp thời. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đang tiếp tục điều tra, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự cố.

Trước tình nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa đề xuất phương án xử lý Công ty DAP số 2 với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công ty sẽ chỉ được phép đi vào hoạt động trở lại khi tiến hành đánh giá và gia cố toàn bộ đập hồ thải, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá theo quy định; đã khắc phục hậu quả vi phạm và được UBND tỉnh Lào Cai kiểm tra, cho phép vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường.

Công ty DAP số 2 sẽ chỉ được vận hành chính thức sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình về bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.

Nguyễn Mạnh