Fica
  1. Doanh nghiệp

VPBank mang cơ hội tiếp cận vốn đến doanh nghiệp ngành thực phẩm tại Vietnam Food Forum 2018

Bài PR
Bài PR

Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại– Bộ Công Thương phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có ngân hàng VPBank, tổ chức Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2018) với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong thương mại nông sản, thực phẩm”.

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong ngành thực phẩm Việt Nam, kết hợp với Chương trình Giao dịch thương mại được tổ chức bên lề Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2018) hàng năm.

Tham dự Hội nghị năm nay có hàng chục diễn giả là những chuyên gia cao cấp của các tổ chức trong nước và quốc tế về ứng dụng công nghệ trong sản xuất và thương mại nông sản, thực phẩm, thương mại điện tử, thương mại sinh học, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm… Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu là lãnh đạo Bộ, ngành và các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đến các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn, nhỏ cùng các cơ quan thông tấn, truyền thông tại Việt Nam và quốc tế.

Theo Ban tổ chức, hội nghị lần này có chất lượng và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với nội dung tham luận và thảo luận có hàm lượng chuyên môn cao, đề cập, cập nhật đến nhiều vấn đề “nóng” của ngành thực phẩm và lĩnh vực ứng dụng công nghệ.

Điểm nhấn rất quan trọng của Hội nghị năm nay là chương trình Giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các tập đoàn thu mua, đại siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước như: Walmart (Hoa Kỳ), CJ, LOTTE (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), MM Mega Market, Vinmart, Saigon Co.op, HAPRO, SATRA... Hàng trăm doanh nghiệp trong nước đã được kết nối giao thương tại chỗ, mở ra cơ hội cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối thực phẩm lớn trong và ngoài nước, từ đó, mở rộng các chuỗi cung ứng về lương thực, thực phẩm.

Với vai trò là một trong số ít đơn vị đồng hành chương trình, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã mang tới hội nghị những chính sách hỗ trợ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và xuất nhập khẩu.

Hàng trăm lượt giao dịch trực tiếp đã diễn ra sôi nổi giữa doanh nghiệp với các đối tác thu mua và VPBank

           Phát biểu tại phiên tọa đàm Vietfood, Ông Trương Thái Dương –– đại diện ngân hàng VPBank chia sẻ: “VPBank không chỉ tiếp sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)về mặt tài chính mà còn cung cấp các giá trị phi tài chính như tổ chức các buổi kết nối giao thương trực tiếp giữa các SME. Tuy nhiên, việc tổ chức kết nối trực tiếp thông qua hình thức tọa đàm chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu các bên, do đó, VPBank đang đầu tư xây dựng một cổng kết nối trực tuyến dành cho các SME. Mục đích của nền tảng này là giúp DN quảng bá sản phẩm, dịch vụ, kết nối kinh doanh với nhau mà không mất các chi phí trung gian. Cổng kết nối dự kiến sẽ chính thức ra mắt năm 2019 với mạng lưới ban đầu là 70.000 DN.

Ông Trương Thái Dương – Giám đốc miền Nam khối SME của VPBank (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ giải pháp tài chính dành cho DN ngành thực phẩm

Đối với các giải pháp tài chính, VPBank có 3 nhóm giải pháp cụ thể cho 3 nhóm DN. Nhóm giải pháp thứ nhất dành hỗ trợ các DN có quy mô siêu nhỏ. Đây là nhóm DN thiếu hoặc không có đủ tài sản đảm bảo để vay ngân hàng. Vì vậy, VPBank mang tới giải pháp vay tín chấp, dựa trên năng lực của DN để cho vay với hạn mức đa dạng, lên đến 3 tỷ đồng.

Giải pháp thứ hai dành cho nhóm DN hoạt động trong mảng cung ứng nội địa. Các DN này thường gặp vấn đề chung là tình trạng công nợ bị kéo dài từ 3- 6 tháng. Nếu không đủ tài chính hoặc phải chờ bên mua thanh toán, thì không kịp gom vốn để chuẩn bị cho lượt sản xuất tiếp theo dẫn đến gặp nhiều khó khăn, cản trở. “VPBank đưa ra giải pháp tài trợ hóa đơn. Ngân hàng chấp nhận hình thức DN dùng hóa đơn VAT đầu ra để thế chấp, giúp xoay vốn kịp thời. Bên bán linh động sản xuất, bên mua cũng yên tâm mua hàng”, ông Dương cho biết.

Giải pháp thứ 3 dành cho nhóm DN xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện VPBank vẫn đang áp dụng giải pháp truyền thống là tài trợ xuất khẩu trước giao hàng và tài trợ xuất khẩu sau giao hàng (chiết khấu). Với các DN nhập khẩu, hình thức tài trợ khá đa dạng bao gồm phát hành LC, cho vay để thanh toán Bộ chứng từ LC, DP, DA, TTR… Đặc biệt, LC UPAS là giải pháp phát hành LC trả chậm cho DN, theo đó phía đối tác vẫn có thể nhận được tiền ngay khi xuất trình Bộ chứng từ, còn phía DN nhập khẩu vẫn được trả chậm theo thời hạn LC trả chậm. Đây là một hình thức LC rất ưu việt mà DN nhập khẩu khá ưa thích.

Kết thúc Hội nghị, VPBank đã tư vấn giải pháp tài chính tại chỗ cho gần 100 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đã tiếp cận, tìm hiểu về dịch vụ của VPBank tại khu vực triển lãm Vietnam Foodexpo 2018.

"Với những giải pháp tài chính phù hợp nhất của VPBank dành cho doanh nghiệp ngành thực phẩm, chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp sẽ thêm cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh đặc biệt là xuất khẩu được ngày càng nhiều sản phẩm Made in Vietnam ra thế giới", ông Trương Thái Dương cho biết.