Bản dự thảo trên vừa được trình Chính phủ, gửi các Bộ, ban ngành để cho ý kiến trước khi thông qua.
Tại bản dự thảo kế hoạch nêu trên, Bộ KH&ĐT đưa ra quan điểm phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân với ba trụ cột.
Mục tiêu của Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển và giúp họ phát triển bền vững "xanh hóa" giá trị.
Đặc biệt, ưu tiên xóa bỏ mọi rào cản tâm lý xã hội, môi trường kinh doanh cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân; không hạn chế quy mô, mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm.
Phát triển kinh tế tư nhân gắn với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ KH&ĐT đặt ra yêu cầu cụ thể là đến năm 2030, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ phải thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với nhóm dẫn đầu khối ASEAN 4.
Tăng cường khả năng liên kết doanh nghiệp Việt trong chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu bằng các nước dẫn đầu khối ASEAN 4. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tự nhân.
Theo yêu cầu đặt ra, năm 2030, tăng trưởng số lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân đạt từ 6 - 8% và tốc độ cải thiện thu nhập của họ trong khu vực này cũng phải đạt từ 15 - 20%.
Bộ KH&ĐT dự kiến yêu cầu các Bộ như Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đồng hành và kiểm soát các quy định theo ngành và lĩnh vực mà mình quản lý.
Cụ thể, Bộ Công Thương chủ động và có chiến lược đàm phán các cam kết hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia, khu vực theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá năng lực thực thi các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, có hướng sửa đổi phù hợp, hiện đại.
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất các cơ chế cấp bù lãi suất đối với các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và báo cáo Chính phủ trong năm 2019.
Ngoài ra, các Bộ, ngành chịu trách nhiệm chính, Bộ KH&ĐT dự kiến giao các nhiệm vụ cho các Bộ, ngành chuyên môn và địa phương động lực phát triển kinh tế để có kế hoạch cùng thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng phát triển dựa vào khai thác tài nguyên, công nghiệp khai khoáng và công nghiệp sản xuất hủy hoại môi trường. Các ngành nghề và lĩnh vực đang tạo ra hiểm họa môi trường lớn cho Việt Nam là khai thác khoáng sản, nhiệt điện than, công nghiệp dệt nhuộm, hóa chất...
Để thay đổi chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần chuyển đổi nền kinh tế theo chiều rộng, sang chiều sâu; tăng cường phát triển các ngành sản xuất xanh như: nông nghiệp xanh, điện mặt trời, sức gió... và thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế này.