Theo báo cáo tài chính mới công bố, quý III/2022, CTCP Xi măng Vichem Hà Tiên 1 có doanh thu 2.423 tỷ đồng, cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất của doanh nghiệp này trong 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân đến từ nhu cầu và tốc độ triển khai thi công các dự án bất động sản nhà ở và công trình đầu tư công đã phục hồi đáng kể hậu Covid-19.
Tuy nhiên, do nguồn cung khu vực bị kìm nén trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, hiện tượng dư cung xảy ra khiến mỗi doanh nghiệp phải tăng mức chiết khấu để cạnh tranh và chiếm thị phần. Xi măng Hà Tiên 1 không phải ngoại lệ khi mà giá trị các khoản giảm trừ, chiết khấu thương mại của doanh nghiệp trong quý vừa rồi cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Doanh thu thuần của công ty đạt 2.260 tỷ đồng, qua đó phục hồi bằng kết quả kinh doanh những năm trước dịch bệnh.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Dù thế, lợi nhuận sau thuế công ty đạt vỏn vẹn 36 tỷ đồng do giá vốn hàng bán cao trong các quý gần đây. Mâu thuẫn địa chính trị Nga – Ukraine đã khiến nhiều đơn vị tìm đến nhiên liệu than thay vì khí đốt, từ đó làm giảm nguồn cung và làm tăng giá than đá toàn cầu. Do giá than thế giới đã tăng gấp đôi trong một năm trở lại nên dù than nhập khẩu chỉ chiếm từ 35-40% cơ cấu than sử dụng vẫn khiến chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào của Xi măng Vicem Hà Tiên 1 tăng đáng kể.
Biên lợi nhuận gộp của công ty đang trở về mức thấp của thời kỳ dịch bệnh Covid-19, giai đoạn có hiệu quả hoạt động không cao do phải tuân thủ các quy định y tế, còn xi măng tồn kho không xuất hết được ra thị trường.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Kể từ khi trả hết nợ tài chính dài hạn, giá trị tiền, tương đương tiền của doanh nghiệp đã tăng đều đặn qua mỗi quý. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp ghi nhận giá trị tiền, tương đương tiền 644 tỷ đồng, con số dự kiến sẽ tăng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty sẽ không còn bị bào mòn bởi chi phí tài chính cho những khoản vay dài hạn.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Trong quá khứ, doanh nghiệp từng khá tích cực tham gia tự doanh chứng khoán trên sàn. Một tín hiệu tốt là hoạt động này đã dừng lại trong nhiều năm nay và thay vào đó công ty sẽ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào những doanh nghiệp mang tính chất đối tác chiến lược. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp có xu hướng tăng nhẹ nhờ chuyển đổi một phần tiền chưa sử dụng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên giá trị khoản mục đầu tư tài chính dài hạn đã giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hiện Xi măng Vicem Hà Tiên 1 là cổ đông lớn của 2 doanh nghiệp xi măng khác trên sàn là CTCP Cao su Bến Thành (mã chứng khoán: BRC), sở hữu 2,31 triệu cổ phiếu và CTCP Vicem Thạch cao xi măng (mã chứng khoán: TXM) khi sở hữu 700.000 cổ phiếu. Do các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi, giá cổ phiếu hai công ty trên đã không tránh khỏi đà giảm của thị trường chung. Và Xi măng Vicem Hà Tiên 1 đã trích lập dự phòng 14 tỷ đồng cho hai khoản đầu tư này trong quý III/2022.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Khoản phải thu của doanh nghiệp khá ổn định. Theo báo cáo thuyết minh, giá trị khoản phải thu này đến từ nhiều khách hàng khác nhau và thường thay đổi mỗi chu kỳ kinh doanh. Khoản phải thu tại Văn phòng điều phối chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phương cũng đã được trả gần hết.
Xi măng Vicem Hà Tiên 1 đang triển khai một số dự án như đường BOT Phú Hữu, dự án tại Kiên Lương và Bình Phước, dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên thuộc nhà máy xi măng Bình Phước với chi phí đầu tư ghi nhận vào quý III/2022 là 200 tỷ đồng. Dù số dự án là khá nhiều nhưng tốc độ triển khai của doanh nghiệp chưa cao. Đơn cử, dự án đường bộ B.O.T Phú Hữu đã thi công từ năm 2014 nhưng vẫn chưa hoàn thiện, hay dự án nâng công suất tại nhà máy Xi măng Kiên Lương đã trình trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được thực thi.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Vay tài chính ngắn và dài hạn có xu hướng giảm đều trong các năm qua, duy chỉ có gần đây do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên công ty đã phải đi vay để tài trợ cho các công trình dở dang, giá trị các khoản vay nợ khác cũng tăng đáng kể.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Các khoản vay nợ khác không có chi phí lãi vay nên chi phí tài chính doanh nghiệp các quý vừa rồi vẫn giảm đáng kể.
Nguồn: BCTC - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Triển vọng doanh nghiệp trong ngắn hạn chưa tích cực ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn như lãi suất tăng và dòng vốn chảy vào kênh bất động sản, đặc biệt là bất động sản chung cư đang bị siết chặt. Thêm vào đó là thực trạng dư cung xi măng ở miền Bắc sẽ chuyển một phần sang miền Nam do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ khiến thị trường xi măng nội địa ngày càng trở nên bão hòa.
Dương Hoàng