Fica
  1. Doanh nghiệp

Vì sao giá điện nhiều nơi trên thế giới tăng cao?

Trường Thịnh
Trường Thịnh

Nhiều quốc gia châu Á ghi nhận giá điện tăng kỷ lục, trong khi Mỹ cho thấy sự phân hoá giữa các khu vực khi giá khí đốt tự nhiên biến động mạnh.

Giá điện châu Âu tăng đồng đều

Theo dữ liệu của Ember, giá bán buôn điện trung bình những tháng cuối năm ở châu Âu tuy giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn đầu năm. 

Cụ thể, giá bán buôn điện trung bình hồi tháng 10/2022 tại Italy là 211,2 EUR/MWh (tương đương 5.414 đồng/kWh), ở Pháp là 178,9 EUR/MWh (khoảng 4.589 đồng/kWh), Đức là 157,8 EUR/MWh (khoảng 4.045 đồng/kWh), Tây Ban Nha là 127,22 EUR/MWh (tương ứng 3.255 đồng/kWh) và Anh là 136,60 EUR/MWh (tức khoảng 3.502 đồng/kWh)

Châu Á: Nơi chạm kỷ lục, nơi bớt căng thẳng

Cuối tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng dầu tổng cộng khoảng 45.000 yên cho mỗi hộ gia đình trong tháng 1 đến tháng 9 năm sau do giá điện tăng cao. Riêng tại Tokyo, giá điện tháng 10 đã tăng gần 27%. Nhật Bản hiện áp dụng giá điện bậc thang, khi mức tiêu thụ đến 120kWh có giá 19,88 yên (tức 3.555 đồng/kWh), từ 121kWh đến 300kWh áp dụng giá 26,46 JPY (khoảng 4.731 đồng/kWh) và từ 301kWh sẽ là 30,57 JPY (tương ứng 5.467 đồng/kWh). 

Ở Hàn Quốc, giá bán buôn điện đạt mức cao nhất vào ngày đầu tiên của tháng 9/2022, chạm 228,96 won (4.287 đồng) cho mỗi kWh cung cấp tại thị trường nội địa, vượt qua mức đỉnh trước đó được thiết lập vào tháng 4 ở 202,11 won (tương đương 3.784 đồng) cho mỗi kWh. 

Theo Korea Power Exchange, giá bán điện tại Hàn Quốc tăng do chi phí mua khí đốt quốc tế tăng mạnh. Bất chấp chính phủ quốc gia Đông Á này đã tìm được biện pháp nhằm đảm bảo hơn 90% nhu cầu khí đốt từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023 thông qua hợp đồng cung cấp dài hạn, cùng cam kết mua khí đốt trên thị trường giao ngay nếu có bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mùa đông, chi phí phát điện của Hàn Quốc vẫn tăng tới 48% so với hồi tháng 1.

Đường dây Central Maine Power (Ảnh: Seattle Times).

Chi phí nhiên liệu đầu vào cũng là lý do tăng giá điện ở Thái Lan. Tờ Nation của Thái Lan cho biết giá điện điện sinh hoạt tại nước này sẽ tăng lên 4,72 baht (3.273 đồng/kWh) từ tháng 9/2022 khi Ủy ban điều tiết năng lượng (ERC) tăng biểu giá nhiên liệu (ft) được dùng để tính toán hóa đơn do buộc phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay với chi phí cao để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ Vịnh Thái Lan.  

Trong khi đó, giá điện ở Trung Quốc có những dấu hiệu ổn định hơn khi vào tháng 10/2022, lạm phát giá bán lẻ nhiên liệu hàng tháng ở Trung Quốc dao động ở mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước, hạ nhiệt so với các tháng trước đó. Hiện giá điện tại Trung Quốc áp dụng cho hộ gia đình từ tháng 3/2022 là 0,546 nhân dân tệ (1.880 đồng) và cho kinh doanh là 0,634 nhân dân tệ (2.182 đồng) trên mỗi kWh. 

Dữ liệu từ GlobalPetrolPrices cho thấy hồi tháng 3/2022, Việt Nam có mức bán giá điện trung bình chỉ 1.876,6 đồng/kWh, nằm trong nhóm top 43 quốc gia có chi phí giá điện thấp nhất trong bảng khảo sát gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khu vực Asean, Việt Nam nằm trong top 3, sau Lào (871 đồng/kWh) và Malaysia (1.199,4 đồng/kWh).

Mỹ hình thành bức tranh trái chiều giữa phía Đông và phía Tây

Theo trang tin trực tuyến Mỹ Vaultelectricity, giá điện bình quân theo tiểu bang trong tháng 10/2022 dao động đáng kể. Tại các bang không tiếp giáp Thái Bình Dương, giá điện tăng trung bình 24,18%, trong khi các bang ở Tây Bắc Trung Bộ chỉ tăng 6,23%. 

Với các bang tăng giá, top 10 ghi nhận mức độ điều chỉnh từ 25,59 cent đến 27,47 cent/kWh (tức 6.346 - 6.813 đồng). Ngược lại, top 10 bang tăng thấp nhất chỉ ghi nhận con số điều chỉnh giá là 11,55 cent đến 17,35 cent (tương ứng 2.864 - 4.303 đồng). 

Xét từ tháng 6/2021 đến tháng 10/2022, một số tiểu bang đã chứng kiến ​​sự tăng vọt về giá điện bình quân, bao gồm Maine, Hawaii, Oklahoma và Illinois. Ở chiều ngược lại, Michigan, South Dakota, Alaska và Idaho hầu như ổn định.

Trang tin này đánh giá khách hàng sử dụng điện của Mỹ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng là do giá khí đốt tự nhiên biến động, và tình trạng thiếu cung toàn cầu do xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt và các dự báo không mấy khả quan trong những năm tới về các hiện tượng tự nhiên cực đoan cũng khiến giá nhiên liệu tăng, đẩy giá bán điện leo dốc.

Nam Phi ghi nhận chênh lệch giá điện tới 3 lần tại các quận

Theo  Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Nam Phi (Nersa) và dữ liệu từ GlobalPetrolPrices, Nam Phi là nơi người dân phải trả tiền điện nhiều hơn so với người dân ở hầu hết các quốc gia còn lại của lục địa đen này. Đơn giá trên mỗi kWh điện tại Nam Phi nằm gần giữa phổ giá điện toàn cầu, đạt trung bình 2,56 rand (tức 3.709 đồng).  

Giá điện của Nam Phi tương đương với giá điện ở Colombia, Iceland, Campuchia và Chile. Tuy nhiên, những người sống ở 3 quận có giá điện cao nhất trên thế giới thuộc Nam Phi phải trả nhiều hơn từ 2,8 đến 3,2 lần cho mỗi kWh so phần lớn cư dân của quốc gia này.  

Trường Thịnh

Tin liên quan