Một giai đoạn dài người nông dân trồng hồ tiêu ví loại cây này như "vàng đen", đầu tư nhanh đem lại lợi nhuận, gần như “một vốn bốn lời”. Cũng do sốt giá kéo dài, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không ngần ngại đầu tư tiền tỷ cho hồ tiêu.
Giấc mơ vàng đen, đổi đời nhờ tiêu
Giai đoạn từ năm 2010 - 2016, mỗi gia đình chỉ cần có 1 ha hồ tiêu bước vào thời kỳ kinh doanh là nhẹ nhàng “đút túi” từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thế nên, thời điểm đó đâu đâu cũng thấy người dân đua nhau trồng cây hồ tiêu.
Xã Nâm N'Jang, từng được mệnh danh là xã giàu có nhất Tây Nguyên nhờ hồ tiêu
Từ năm 2010, với 2 ha hồ tiêu thời kỳ kinh doanh, gia đình anh Nguyễn Văn Việt (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) đã tạo dựng được một cơ ngơi vững vàng, nắm trong tay số tiền hàng tỷ đồng. Thấy lợi nhuận hồ tiêu mang lại vẫn rất lớn, nên năm 2013 vợ chồng anh Việt dồn hết vốn liếng mở rộng diện tích sản xuất lên 12 ha hồ tiêu với khoảng 16.000 trụ.
Ngoài sử dụng số tiền 5 tỷ đồng mà gia đình tích lũy được, anh Việt còn vay ngân hàng 3 tỷ đồng để đầu tư vào vườn tiêu. “Cứ năm nào sản xuất có lãi là vợ chồng tôi lại dồn tiền mua thêm đất để trồng hồ tiêu với hy vọng để lại của hồi môn khấm khá cho 5 đứa con về sau”, anh Việt cho hay.
Tương tự, thấy giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trong vùng liên tiếp xuất hiện nhiều tỷ phủ hồ tiêu nên anh Nguyễn Văn Hanh (xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) đầu tư để làm hồ tiêu. Anh Hanh cho biết: “Năm 2015 vợ chồng tôi huy động anh em, họ hàng rồi vay thêm ngân hàng được tổng cộng 6 tỷ đồng để trồng hồ tiêu. Thời điểm đó, vì hồ tiêu sốt mà giá đất cũng bị thổi phồng, trung bình mỗi ha đất trắng ở Đắk Song phải mua từ 400 đến 1 tỷ đồng. Với số tiền trên, gia đình cũng chỉ đủ để phát triển 7ha hồ tiêu”.
Đã có lúc hồ tiêu mang lại cho người dân cuộc sống sung túc
Không riêng gì Đắk Song, tất cả 8 huyện, thị xã của tỉnh Đắk Nông nơi nào cũng ồ ạt phát triển cây hồ tiêu. Phong trào "nhà nhà trồng hồ tiêu, người người trồng hồ tiêu" đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Thời điểm này, luôn có hàng chục nhân viên của nhiều ngân hàng khác nhau sẵn sàng tìm đến tận vườn rẫy để tư vấn, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển diện tích hồ tiêu. Chỉ cần có trong tay một vài ha hồ tiêu trong thời gian kinh doanh, người dân có thể thế chấp vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến tiền tỷ, số tiền mà trước đây họ không bao giờ dám nghĩ tới.
Ngoài ra người trồng hồ tiêu còn được các đại lý kinh doanh nông sản, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo điều kiện ký sổ là có thể ghi nợ hàng trăm triệu.
Tiêu chết, nhiều nhà cũng … hết
Bất ngờ, từ cuối năm 2017, hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng. Minh chứng rõ ràng nhất là từ nhiều tháng nay, trên các ngả đường dẫn về các vựa tiêu nổi tiếng ở huyện Đắk Song, Tuy Đức… có rất nhiều người dân, thậm chí cả những tỷ phú một thời cũng treo biển bán rẫy, bán đất, bán nhà… không khí u ám bao trùm lấy người dân trồng cây hồ tiêu.
Thế nhưng hồ tiêu chết đột ngột...
Tại chính vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Việt, hàng ngàn trụ tiêu đã bị xóa sổ hoàn toàn. Người đàn ông này nghẹn ngào: “Giữa năm 2018, 16.000 trụ tiêu của gia đình đã héo lá, không còn sự sống. Vài tháng sau, tất cả chết trắng hoàn toàn. Hơn 8 tỷ đồng đổ ra sông, ra biển. Nếu bây giờ ngân hàng “siết nợ” thì gia đình tôi chỉ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi”.
Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Thủy, trước đây vay 900 triệu ngân hàng để trồng hơn 2 ha hồ tiêu. Theo tính toán, 2 ha hồ tiêu sau 3 năm sản xuất sẽ mang lại cho chị Thủy hàng trăm triệu đồng, nợ nần cũng sẽ giảm bớt, đời sống sẽ khấm khá hơn.
Thế nhưng, trong năm 2018, cây hồ tiêu của chị Thủy không may bị nhiễm bệnh, chết sạch. Đến thời kỳ trả nợ ngân hàng, chị Thủy không còn cách nào khác mà ngậm ngùi chấp nhận bán nhà giá trị tiền tỷ, cùng nhiều diện tích đất đai để trả nợ ngân hàng. Chỉ riêng ngôi nhà của mình hơn một năm trước chị Thủy xây dựng đã hơn 1 tỷ đồng, nay cộng thêm cả mấy ha đất đai nhưng bán 1 tỷ đồng mãi mới có người mua. Sau khi bán hết tài sản trả nợ ngân hàng, gia đình chị đã phải bỏ về quê sinh sống cùng bố mẹ già.
Chị Thủy buồn bã: “Sau bao nhiêu năm lao động quần quật, lợi nhuận chẳng thấy đâu, giờ gia đình tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, phải bỏ xứ về quê ăn bám bố mẹ già”.
Khá khẩm hơn chị Thủy, ông Nguyễn Văn Thắng (xã Đắk N’Drung) vay mượn ngân hàng 900 triệu đồng để chăm sóc cho 11 ha tiêu trong giai đoạn thu bói. Vụ thu hoạch năm nay, ông Thắng thu về được 15 tấn hồ tiêu. Ông này nhẩm tính, 15 tấn hồ tiêu thu về được 675 triệu đồng, thế nhưng, chi phí thuê nhân công thu hái đã tốn trên 200 triệu đồng. Trong 1 năm, công chăm sóc, phân thuốc cũng ngốn của gia đình khoảng 350 triệu đồng.
“Thế nên với nguồn thu như vậy gia đình không đủ để trả nợ ngân hàng. Để đáo hạn ngân hàng, tôi phải đi vay ngoài 900 triệu với lãi suất 4 triệu đồng một ngày. Sau 2 ngày hoàn thành thủ tục đáo hạn ngân hàng, tôi đành phải trả 8 triệu tiền lãi nóng”, ông Thắng ngậm ngùi.
nhiều căn biệt thư vừa xây, chưa kịp ở đã phải rao bán
Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, cây hồ tiêu ở huyện Đắk Song có bước tăng trưởng thần tốc từ 8.000 ha lên 15.000 ha, tạo ra tình trạng phát triển nóng cây hồ tiêu.
Thực tế hiện nay cho thấy, bình quân 1 ha hồ tiêu người dân thu về khoảng 3 tấn hạt. Với giá cả như hiện nay, 3 tấn hồ tiêu mang lại cho người dân khoảng 130 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất được 1 kg hồ tiêu tốn kém khoảng 32.000 đồng, như vậy 3 tấn hồ tiêu người dân tốn gần 100 triệu đồng chi phí đầu tư, công cán. Thế nên, chỉ có những hộ gia đình nào không vay vốn ngân hàng mới có dư chút đỉnh. Còn đối với những hộ dân nào đã vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất hồ tiêu thì chắc chắn sẽ bị thua lỗ, không đủ trả lãi ngân hàng. Một khi sản xuất không đủ trả lãi ngân hàng thì đồng nghĩa với việc người dân sẽ buông xuôi, không có tiền đầu tư duy trì vườn rẫy.
Trước thực tế trên, thời gian qua, huyện Đắk Song đã đề nghị các cấp, ngành chức năng vào cuộc tính toán phương án hỗ trợ người dân về lãi suất, có phương án khoanh nợ, giãn nợ cho người dân tìm cách phục hồi sản xuất, trả dần các khoản nợ nhằm tránh cảnh tay trắng vì hồ tiêu.
Dương Phong