Fica
  1. Doanh nghiệp

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” vốn “khủng” cho hãng bay Vinpearl Air

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trong đó dự án có tổng vốn lên tới 4.700 tỷ đồng và dự kiến bay thương mại vào tháng 7/2020.

Theo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa trình Chính phủ, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên, trung bình mỗi năm Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác thêm 6 tàu bay, đạt 30 tàu vào năm 2024.

Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.

Dự kiến Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” vốn “khủng” cho hãng bay Vinpearl Air - 1

Hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2020

Vinpearl đăng ký sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (CHK) làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu khai thác tại Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.

Theo hồ sơ dự án, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê khô (thuê không có tổ lái) và thuê ướt (thuê có tổ lái) tàu bay. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hoá các nguồn cung tàu bay và phương thức sử hữu như: Thuê mua, mua thuê lại cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ.

Trong báo cáo kết quả thẩm định dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của Bộ KH&ĐT, dự án này có thời gian hoàn vốn 5-6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. Vinpearl Air sẽ giúp đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (2024).

Hồ sơ dự án cũng đánh giá sơ bộ các yếu tố rủi ro tác động đến dự án như biến động của chính sách vĩ mô, lãi suất cho vay, biến động tỷ giá, biến động chi phí nhiên liệu; đồng thời, có đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ cung ứng.

Bộ KH&ĐT cho rằng, các nội dung đánh giá về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án như nêu trên mới ở mức sơ bộ, các dữ liệu đầu vào mới là giả định. Bởi CHK quốc tế Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của dự án.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của dự án còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác. Bộ KH&ĐT đề nghị Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air cần tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư dự án trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ các yếu tố có khả năng tác động tới hoạt động của dự án.

Bộ này cũng lưu ý Vinpearl Air cần rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn của một số hãng hàng không đang khai thác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Trước đó, nêu ý kiến về dự án, Bộ GTVT cho biết quy mô đội tàu bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định kế hoạch của Vinpearl Air là sự phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cho năm 2020, nhưng đề nghị nhà đầu tư lưu ý khả năng khai thác của CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong giai đoạn sau năm 2020.

Châu Như Quỳnh

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” vốn “khủng” cho hãng bay Vinpearl Air - 2

Tin liên quan