Vốn FDI vào Ấn Độ cao kỷ lục trong năm tài chính 2021 (Ảnh: Reuters).
Theo số liệu chính thức từ chính phủ, Ấn Độ thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) - bao gồm vốn chủ sở hữu, lợi nhuận tái đầu tư và vốn - kỷ lục ở 81,72 tỷ USD trong năm tài chính 2021, tăng 10% so với năm tài chính trước đó. Trong đó, lĩnh vực phần mềm và phần cứng máy tính chiếm tới 44% tổng FDI, gấp 3 lần so với năm ngoái, đứng tiếp theo là hạ tầng (13%) và dịch vụ (8%).
"Các biện pháp mà chính phủ triển khai liên quan tới cải cách chính sách FDI, tạo điều kiện cho đầu tư và nới lỏng môi trường kinh doanh đã giúp cải thiện dòng FDI. Dòng FDI kỷ lục chảy đã chứng tỏ Ấn Độ là điểm đến ưa thích của giới đầu tư toàn cầu", Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ cho hay.
Tuy nhiên, theo một phân tích sâu hơn, ít nhất 34% tổng FDI trong năm tài chính 2021 vào Ấn Độ đến từ việc giới đầu tư toàn cầu rót vốn vào Tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất nước này, Mukesh Ambani.
Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2020, tập đoàn đầu tư đa ngành này đã bán cổ phần tại 7 công ty con - như Jio Platforms và Reliance Retail - với tổng giá trị gần 28 tỷ USD cho giới đầu tư nước ngoài, trong đó có những cái tên lớn như Facebook, Google, KKR & Co., và Qualcomm.
Trong đó phải kể đến thương vụ với hai "đại gia" internet lớn. Tháng 4/2020, Reliance Industries quyết định bán 9,9% cổ phần với giá trị là hơn 5,8 tỷ USD tại Jio Platform cho Facebook, một trong những đối thủ trong mảng kinh doanh kỹ thuật số.
Sau thương vụ với mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Reliance công bố quan hệ đối tác với Google để xây dựng hệ điều hành Android vào tháng 7/2020. 4 tháng sau khi được Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ "bật đèn xanh", Reliance tiếp tục bán số cổ phần trị giá 4,5 tỷ USD tại Jio Platforms, tương đương 7,7% cổ phần, cho Google.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nếu một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ hơn 10% cổ phần có quyền biểu quyết trong một công ty, nhà đầu tư này sẽ có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý. Do đó, Jio Platforms vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ấn Độ dù Facebook và Google hiện sở hữu gần 18% cổ phần.
Ngành công nghệ tại Ấn Độ đang phát triển mạnh bởi các doanh nghiệp đang thúc đẩy quá trình kỹ thuật số hóa nhanh chóng. "Quá trình kỹ thuật số hóa đặc biệt được đẩy nhanh trong năm ngoái, bởi lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải tự động hóa các quy trình trong chuỗi giá trị. Xu hướng này sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm nay và 2-3 năm tới", ông Rajat Wahi - Giám đốc Deloitte tại Ấn Độ - nói.
Nhận định về xu hướng FDI trong thời gian tới, Mithun V Thanks - Giám đốc tại Shardul Amarchand Mangaldas & Co - dự đoán: "Ấn Độ sẽ tiếp tục hút FDI mạnh trong vài năm tới khi quốc gia này tập trung thích nghi và tích hợp công nghệ".
Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc Covid-19 với hơn 28 triệu ca và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 329.127 ca. Hệ thống y tế quá tải, thuốc men cạn kiệt, thân nhân người bệnh tranh nhau tìm nguồn cung cấp oxy, khiến hàng nghìn người tử vong mỗi ngày. Người dân buộc phải hỏa táng thi thể người thân ngay trên đường hoặc thả trôi sông.
Kim Dung (tổng hợp)