Ông lại vừa xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes, cảm giác lần này thế nào? Cứ "ra ra, vào vào" danh sách này, ông thấy sao?
- (Cười lớn) Tôi phải chú thích lại với chị là tôi chỉ "ra" có một lần thôi nhé, rồi lại "vào". Còn việc có tên trong danh sách đó thì cảm giác lần này cũng bình thường. Như cách đây gần 3 năm đấy, khi lần đầu tiên vào danh sách thì khi đó tôi chả chia sẻ với chị đấy thôi: Lúc đầu thấy bình thường nhưng sau cũng vui vui vì được thế giới công nhận. Còn lần này, thấy cũng bình thường thật.
Vì ông đã quá quen rồi?
- Thì tôi đoán là do cũng không có gì mới cả nên thấy cũng bình thường.
Ông thấy sao khi có tỷ phú còn chả muốn xuất hiện trong danh sách? Và tôi cũng hỏi thật là làm tỷ phú USD, ông có áp lực không?
- Thật ra thích hay không thích thì vẫn như thế rồi (vẫn được đưa vào danh sách - PV), nên tốt nhất là thôi mình cứ đón nhận nó thôi.
Chả áp lực gì cả đâu. (Cười lớn). Tỷ phú đô la vẫn cà phê vỉa hè. Đấy, làm tỷ phú có gì khác đâu. Tôi còn là "trùm" ăn vặt. Đó là sở thích rất cá nhân, chứ có phải tỷ phú thì phải thế nào đâu. (Cười).
Nghe nói ông Trần Đình Long mới đi đổi căn cước công dân, đổi luôn ngày sinh?
- Đúng rồi! (Cười lớn). Tôi sinh đúng ngày 22 nhưng chả hiểu ngày xưa làm hộ khẩu kiểu gì mà lại thành ngày 20. Thành ra đợt này tôi đi đổi lại cho đúng với khai sinh gốc. Cái gì đúng thì trả về cho nó đúng thôi.
Sao bao năm không đổi mà giờ ông lại đổi? Liệu có phải vì vấn đề gì đó liên quan phong thủy?
- Không bao giờ. (Cười lớn). Gì chứ phong thủy thì không có chuyện đó. Còn tại sao bao năm không đổi thì nói thật là tôi cũng ngại lắm. Bình thường tôi nghĩ cũng chẳng cần thiết nhưng kỳ này thì phải đổi thôi vì giấy tờ cũng hết hạn rồi. Mỗi lý do ấy.
Tôi còn nghe bảo ông Long sinh ra ở Hà Nội mà truyền thông cứ nhắc ông là "chàng trai quê nghèo Hải Dương vượt khó thành tỷ phú". Đợt này làm giấy tờ ông có đổi luôn không, có đính chính lại không?
- Ông nội tôi ở Nam Định, bà nội ở Hải Dương. Ông bà ngoại thì ở Hải Dương hết. Nhưng tôi sinh ra ở nhà hộ sinh Hàng Bún. Chả biết có phải Hà Nội không nữa (Cười lớn). Giờ tôi cũng muốn quy về hết một đầu mối thông tin vì nhiều người hỏi quá.
Bạn bè tôi ai chả biết tôi sinh ở Hà Nội xong cứ gặp tôi lại hỏi "sao trên báo chí anh lại cứ thành chàng trai quê nghèo Hải Dương thế", thì nhiều khi lại nghĩ có gì đó thì sao nên tôi thấy tốt nhất là đưa về đúng cho xong. Quan điểm của tôi là đưa về đúng thông tin để đỡ phải trả lời những lời hỏi han của bạn bè. (Cười). Mỗi thế.
Nhưng rõ ràng cái cụm "chàng trai quê nghèo Hải Dương thành tỷ phú USD" có sức nặng truyền thông hơn hẳn so với "chàng trai Hà Nội thành tỷ phú USD" chứ nhỉ?
- Ôi nếu mà được thế thì tốt quá. Nhưng tôi thấy tóm lại thay vì "quê nghèo Hải Dương" thì "quê nghèo Hà Nội" cũng được chứ sao. Hà Nội thời tôi sinh ra cũng đâu có giàu. (Cười).
Tạm gác lại câu chuyện về nhân thân tỷ phú Trần Đình Long. Tôi muốn hỏi là vừa rồi có câu chuyện Việt Nam đề ra mục tiêu hùng cường năm 2045. Thực tế một số doanh nghiệp cũng đã đề ra những sách lược để có thể kết nối được với mục tiêu này của đất nước. Hòa Phát thì sao?
- À, chúng tôi cũng suy nghĩ đến điều đó. Chúng tôi đã lên lịch ngồi họp nghiêm túc về tầm nhìn, định hướng công ty. Còn đợt này, nói thật tôi muốn tập trung cao độ để hoàn thành dự án Dung Quất 2 và không muốn bị phân tâm vào việc này việc kia. Dung Quất 2 rất quan trọng với Hòa Phát. Đó là thời cơ.
Cụ thể thời cơ như ông nói, là…?
- Nếu ai tinh sẽ thấy Trung Quốc bây giờ thành nước phát triển rồi hay nói nôm na là họ giàu rồi. GDP của họ tận 11.000 - 12.000 tỷ USD, cao hơn nhiều nước châu Âu rồi. Khi họ giàu rồi thì thường sẽ hiếm lao động, lao động có xu hướng "lười" đi, không làm ngành công nghiệp nặng nữa. Vì nói thẳng ra làm công nghiệp nặng vừa bụi bặm, vừa không nhàn, sang như làm những ngành ngồi máy tính, máy lạnh. Điều đó sẽ dẫn đến chi phí lao động cao lên và họ mất dần lợi thế lao động giá rẻ, chi phí thấp.
Xu hướng tất yếu của những nước thu nhập cao là họ sẽ chuyển về các ngành dịch vụ. Ví dụ như Mỹ, đến nay đã hơn 90% là dịch vụ rồi. Các nước công nghiệp mới thì cũng đạt tỷ lệ 40-50%, thậm chí 60% luôn.
Đó chính là cơ hội, là thời cơ cho những người khác.
Nhưng Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu thành nước thu nhập cao đó. Ông có lo lắng cho tương lai của Hòa Phát - doanh nghiệp đang làm ngành công nghiệp nặng?
- Thì phải có tương lai mới biết lo hay không chứ. (Cười lớn). Nói vui vậy thôi nhưng chị nói đúng đó. Đó là lý do tôi nói phía trên là chúng tôi cũng phải ngồi lại, bàn kỹ xem đến năm 2045 thì Hòa Phát làm cái gì. Cũng phải nghĩ đến điều đó chứ.
Tôi thấy doanh nghiệp của ông cũng đang chuyển dịch mà nhỉ?
- Đúng. Nhưng cần có thời gian.
Ông có tính quay về bất động sản không vì trong phiên họp cổ đông ông có nhắc chuyện M&A các dự án bất động sản?
- Có đấy. Tôi đang suy nghĩ về điều này. Vì nói thật với chị, mình đâu có đi ngược quy luật được đâu. Quy luật đó là tất cả tập đoàn lớn trên thế giới đều phải đa ngành hết, chẳng tránh được đâu. Tôi đố chị chỉ được ra tập đoàn nào doanh thu chục tỷ USD mà không đa ngành đó. Không có luôn.
Nói đa ngành, vậy ông Trần Đình Long có định làm ô tô?
- À ô tô thì không.
Tại sao? Thứ nhất thì ô tô được chia thành 2 loại: loại động cơ đốt trong, động cơ xăng dầu thì ngày càng thoái trào rồi. Thậm chí, có nước như Pháp còn đang nói đến 2040 cấm hết ô tô chạy xăng.
Còn với ô tô điện, bây giờ xu thế là kết hợp nhiều hãng công nghệ. Nói thật lực mình có hạn mà ô tô là ngành đòi hỏi sức cạnh tranh cực lớn, vốn khổng lồ nên bây giờ chúng tôi chưa nghĩ. Với cả nói thật cũng khó mà cạnh tranh được với các thương hiệu lắm. Và điểm nữa là cũng phải có phân công chứ, chỗ làm cái này, chỗ làm cái kia. (Cười).
Ông có nói là tương lai 20-30 năm nữa của Hòa Phát thì tạm thời chưa nhắc nhưng 10 năm hẳn là có chứ. KPI cho 10 năm tới của Hòa Phát ra sao?
- À thì chúng tôi đặt mục tiêu đến 2030 Hòa Phát thành tập đoàn sản xuất thép có thứ hạng, lọt vào danh sách 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Thứ hai là tập trung hoàn thiện thêm nữa hệ sinh thái của Hòa Phát.
Trong số các ngành của tầm nhìn 10 năm, có ngành nào mà ông xác định đầu tư vượt trội hẳn không?
- Không, vẫn chỉ tập trung vào thép thôi. Làm được vậy cũng quá là tốt rồi.
Để hùng cường, có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp "sếu đầu đàn" trong các lĩnh vực cực quan trọng. Với Hòa Phát thì người ta kỳ vọng các ông trở thành "Posco, Pohang Việt Nam". Ông thấy sao? Hòa Phát có lấy cái tên nào làm "thần tượng" không?
- Được thế thì tốt quá. (Cười). Chúng tôi không lấy ai làm thần tượng cả đâu. Tôi luôn nghĩ mình phải vươn lên thành nhóm công ty đứng đầu về sản xuất thép ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, thậm chí thế giới. Mục tiêu trước mắt là nằm trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Đó thực sự là một hoài bão. Giờ Hòa Phát trong top này rồi nhưng mà chúng tôi phải tốt hơn. Vì chị đừng quên là mình đứng lại thì sẽ có người vượt mình ngay đấy nhá. (Cười lớn).
Quay trở lại câu chuyện tầm nhìn xa hơn. Theo ông, để Việt Nam hùng cường và thành nước thu nhập cao như mục tiêu đề ra thì vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát chẳng hạn, cần được thể hiện thế nào?
- Có rất nhiều thứ gọi là thể hiện như chị nói. Nhưng một trong những điều kiện, theo tôi, là không ai được dừng lại cả. Làm được như thế, đất nước mới hùng cường được. Chứ nếu cứ nghĩ thôi thế là đủ rồi, thế thôi thì rất là khó. Cả thế giới đang không ngừng vận động. Ai đứng lại là người đó tụt hậu ngay thôi, thậm chí còn chết luôn ý chứ. À chết ở đây không phải chết người đâu nhé (cười), mà là chết doanh nghiệp ấy.
Nên tôi mới nói có nhiều yếu tố nhưng tôi tin là nếu chị có đem câu này đi hỏi doanh nghiệp nào đi chăng nữa thì chắc chắn họ cũng sẽ có góc nhìn như tôi: đó là không dừng lại.
Còn đối với riêng Hòa Phát, tôi thấy ngoài "không dừng lại" thì còn một yếu tố khác đó là "đừng sợ". Vì sao? Nói thật, tôi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào thì đều có nhiều khó khăn chứ không phải bon bon như mọi người nghĩ đâu. Khó khăn lắm.
Gần đây nhất là chuyện Hòa Phát làm container. Khó chứ, có đơn giản đâu. Đơn giản thì cả làng làm rồi. Rất nhiều người sợ. Tôi ra thông tin một cái là có nhiều người còn dọa. (Cười).
Đấy, họp cổ đông chả có cổ đông ý kiến là Hòa Phát "ngoại đạo" trong chuỗi giá trị, ngành vận tải, tàu biển, logistics mà làm container đó thôi. Đúng là tôi chả biết gì về ngành nhưng chúng tôi cũng "chẳng biết sợ". Nhìn thấy cơ hội là phải làm thôi.
Đấy là với container. Còn với các mảng khác của Hòa Phát, khi tiến vào đầu tư, đâu là mảng khiến ông sợ nhất?
- Tôi chả sợ gì. Còn nếu bảo nhìn thấy khó khăn nhất thì chắc là mảng nông nghiệp. Thứ nhất là mảng này mới với chúng tôi. Thứ hai là làm nông nghiệp lại phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu… Còn bảo sợ thì không. Nói thật tôi mất luôn dây thần kinh sợ rồi. (Cười lớn).
Nhưng với mảng nông nghiệp, mà cụ thể là trứng gà, Hòa Phát của ông vẫn lỗ đấy thôi? Ông cũng không sợ?
- Ơ không. Tôi bình thường. Tôi đã bảo tôi mất dây thần kinh sợ rồi mà lại. (Cười). Lỗ là do làm tốt quá mà dịch nên học sinh không đến trường, chẳng ăn trứng nữa. Do yếu tố khách quan thôi. Còn thật ra quả trứng Hòa Phát làm ra đang không đắt hơn quả trứng của đơn vị khác. Đấy mới là cái quan trọng. Còn nữa, kênh phân phối và thị trường của chúng tôi cũng đang tốt.
Dư nợ ngắn hạn của Hòa Phát cuối năm 2020 cũng tăng mạnh hơn 20.000 tỷ so với cuối 2019. Chưa kể còn áp lực trả các khoản dài hạn. Ông vẫn không sợ?
- Thực ra đâu có tăng vì chúng tôi vẫn còn 20.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đem gửi ngân hàng mà. Chúng tôi hoạch định cả rồi, làm gì có chuyện áp lực. Này nhé, doanh thu của chúng tôi giờ lớn lắm chứ không như trước đâu. Năm nay doanh thu có tháng tốt còn đạt 15.000 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thu về 500 tỷ đồng tiền mặt cơ mà, tăng 60-70% so với năm ngoái thì làm gì có chuyện áp lực gì mà sợ.
- Cổ đông kỳ vọng cổ phiếu HPG vượt 100.000 đồng/cổ phiếu, đủ làm ông thấy sợ và áp lực chứ?
- (Cười lớn). Chị gặp tôi mấy lần còn gì. Chị thấy tôi có bao giờ áp lực không. Tôi miễn nhiễm các loại áp lực rồi. Còn về giá cổ phiếu, cũng chả biết được. Ngành mình không phải ngành hightech, hàng tiêu dùng, công nghệ nên cũng khó nói.
Tôi thì chỉ tự hào vì người ta gọi HPG là "cổ phiếu quốc dân". Cái này thì không phải ông Trần Đình Long hay chị hay ai đó muốn là được đâu nhé, mà do thị trường. Cái nữa là ngày nào cổ phiếu HPG cũng có mấy chục triệu giao dịch.
Nói về Hòa Phát của ông, người ta toàn nhìn thấy điểm thuận lợi, tích cực. Chả lẽ lại không có khó khăn gì?
- Khó khăn nhiều chứ. Nhưng tôi có tính là không nêu khó khăn thôi.
Thứ nhất, khó khăn nhìn thấy ngay được là đội ngũ cán bộ cốt cán của Hòa Phát cũng phần lớn đứng tuổi rồi. Thế hệ F2 của chúng tôi cũng toàn lứa 7X nên đúng là cũng có cái không bắt nhịp kịp được.
Thứ hai là khi mà quy mô doanh nghiệp tăng lên thì chị lạ gì, quản lý 3-5 người nó khác so với 300-500 người hay con số lớn hơn chứ. Nếu không bắt nhịp được trình độ quản lý của thế giới thì cũng phải lo lắng. Về cái này thì chúng tôi phải cố gắng khắc phục thôi.
Bằng cách nào, theo ông?
- Một là phải liên tục trẻ hóa đội hình đội ngũ. Thứ hai là chúng tôi cũng phải liên tục cập nhật công nghệ quản lý mới nhất. Còn thứ ba, phụ thuộc… ông trời. (Cười lớn và chỉ tay lên trời).
Tôi thấy thế hệ F3 của Hòa Phát, lứa cuối 8X, đầu 9X cũng bắt đầu tham gia đấy chứ. Ban Kiểm soát vừa có thành viên sinh năm 1993 kìa?
- Đúng rồi. Gọi là trẻ thôi chứ thật ra cũng có kinh nghiệm làm cả chục năm rồi đấy. Trẻ tuổi chứ không trẻ nghề đâu. Mà 9X giờ cũng trẻ nữa đâu.
Và con trai ông Trần Đình Long cũng bắt đầu tham gia công việc của công ty?
- Đúng. Em nó đang tập sự. Tôi cũng đang cho làm dần từng ngày, từng ngày. Bọn trẻ bây giờ thông minh nên nói thật là mình cũng yên tâm. Chứ về độ chăm thì thôi chắc không bằng thời cũ được.
Liên quan đến chăm, thông minh, giữa nhân sự thông minh nhưng lười và có thái độ xấu và nhân sự không thông minh lắm nhưng chăm và có thái độ tốt, ông chọn tuyển ai?
- Tôi cần người chăm chỉ, thái độ tốt. Còn nói thật thông minh là do trời phú. Có người chỉ cần tuyển người thông minh vào doanh nghiệp rồi họ gian một tý, lười một tý cũng được. Nhưng tôi thì không. Tôi cần người chuyên cần, chăm chỉ, thái độ tốt.
Giống như ông vậy?
- (Cười lớn). Có lẽ thế. Mà chị thấy tôi có chăm không? Có. Đúng không?
Vậy style quản trị của ông Trần Đình Long là gì: nhân trị hay kỹ trị hay như thế nào?
- Trừu tượng quá, không biết phải trả lời sao nữa. (Cười lớn). Tôi có cái tính xấu là cứ hay can thiệp trực tiếp luôn. Bình thường ví dụ có việc thì phải yêu cầu giám đốc nọ, phó giám đốc kia báo cáo nhưng tôi là tôi có khi trao đổi luôn với trưởng phòng, trực tiếp luôn. Mục tiêu là xử lý xong mọi việc.
Đưa con trai vào làm, liệu ông có thiên vị vì đó là con mình?
- Bảo không thiên vị thì là không đúng vì là con cháu mình. Nhưng về mặt nguyên tắc thì không có chuyện thiên vị đâu. Thực tế đang thế mà. Có con cái của ai vào Hòa Phát mà được ngồi chễm chệ lên làm lãnh đạo ngay đâu. Con một anh trong HĐQT đang ở Úc, quần ống thấp ống cao chui vào trong mỏ làm chết dở kia kìa. (Cười lớn).
Ông nhắc đến lãnh đạo HĐQT Hòa Phát. Tôi thấy họ đều là anh em bạn bè với ông từ mấy chục năm. Làm sao để chơi với nhau được bền thế vì thường bạn bè mà cứ dính đến lợi ích, tiền bạc là phức tạp lắm?
- Nói thật, cái gốc quan trọng lắm. Trong cuộc sống, bạn bè phải xác định vui vẻ là chính chứ chúng tôi cũng chẳng quá ham hố. Thường người ta hay mâu thuẫn với nhau về vật chất nhưng bọn tôi thì không.
Nhưng mà dư luận vẫn cứ nói vụ bầu Kiên với ông Trần Đình Long. Ông thấy thế nào?
- Tôi thấy bình thường, chẳng vấn đề gì cả. Giờ tôi vẫn giữ mối quan hệ với anh Kiên bình thường mà, vẫn hỗ trợ, giúp nhau khi cần.
Nhắc ông Trần Đình Long trước đây người ta vẫn hay nhắc đến máy bay. Nhưng từ khi ông bán máy bay thì tuyệt nhiên các sở thích của ông rất là kín. Giờ ông có thú vui gì ngoài thép?
- Chả bí mật hay kín kiếc gì cả đâu. Tuổi này, tôi thích đánh golf, tuần 3 buổi. Rồi xem bóng đá. Không chơi được bóng nhưng rất thích xem. Tôi thích tuyển Anh, Pháp, Hà Lan, hâm mộ mấy cầu thủ nổi nổi kiểu Messi, CR7… Kiểu thế. Rồi xem phim. Thế là đã hết cả thời gian rồi chứ còn sở thích gì nữa. (Cười lớn).
Phim ông hay xem là…?
- Phim tâm lý Mỹ. Trước tôi thích phim hình sự, hành động lắm nhưng giờ chỉ xem phim nhẹ nhàng để thư giãn ấy mà. À, còn lý do nữa là ví dụ đang xem mà có việc phải nghe điện thoại hay gì chẳng hạn thì quay lại vẫn hiểu. Còn xem hình sự hay trinh thám thì chỉ lỡ tích tắc là chả hiểu gì luôn. Phim tình cảm thì cùng lắm chỉ mất đoạn đôi nào đó đang âu yếm nhau thôi, kiểu thế. (Cười).
Hỏi thật là ông có "chân dài" không?
- Không có nhé. Có là lộ ngay. Tôi chả nói đạo đức gì đâu nhưng chân dài kiểu showbiz thì làm gì có. Sáng ngồi cà phê vỉa hè, trưa ăn cơm với anh em xong cà phê cà pháo nếu có, tuần 3 buổi đánh golf, chiều chạy bộ, cuối tuần xem bóng đá. Tối về nhà lại xem phim. Chân dài kiểu gì. (Cười lớn).
Thế ông chủ Hòa Phát có bao nhiêu siêu xe?
- Không, nhõn một cái. Mà siêu xe gì đâu. Mua lâu lắm rồi.
Là xe của thương hiệu gì, có đắt không?
- Bentley. Tôi mua lâu lắm rồi, giá tầm 2 mấy tỷ đồng. Có mỗi một cái đó thôi.
Thực hiện: Đan Anh
Ảnh: Tuấn Mark
Thiết kế: Phùng Ánh