Fica
  1. Doanh nghiệp

Từ chối trả hàng trăm tỷ đồng tiền bảo lãnh, SBIC “xin” không bị cưỡng chế

Mới đây, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình có quyết định buộc SBIC là tổ chức bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Vinashin phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

SBIC tiền thân là Vinashin.

SBIC tiền thân là Vinashin.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính về việc cơ quan thi hành án dân sự quận Ba Đình quyết thi hành án đối với SBIC.

Cụ thể, ngày 24/5/2018, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình có quyết định buộc SBIC là tổ chức bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Vinashin phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Theo đó, số tiền SBIC phải trả là 238,5 tỷ đồng và lãi quá hạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi thanh toán xong hết nợ.

SBIC cho biết, hiện doanh nghiệp đang thực hiện Nghị quyết 07/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC.

Vì vậy, SBIC khẳng định “không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho các đơn vị thành viên mà SBIC đã bảo lãnh trước đây”.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, SBIC đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hỗ trợ SBIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Tổng cục Thi hành án – Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương không thực hiện biện pháp cưỡng chế tài sản/tài khoản của SBIC để đảm bảo hoạt động thường xuyên không bị gián đoạn.

SBIC cũng đề nghị các bộ này sớm có giải pháp nghiệp vụ hướng dẫn SBIC để trước mắt ưu tiên đảm bảo an toàn tiền gửi/giao dịch tại các Ngân hàng trong quá trình hoạt động và thực hiện Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, SBIC cũng đã từng có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cho phép SBIC được xóa nợ (nợ gốc và nợ lãi) và xin hỗ trợ một khoản kinh phí để đơn vị giải thể. Nhiều tài sản (tàu) đã được tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Tỷ lệ thu hồi vật tư, sản phẩm dở dang ước tính khoảng 6-10% giá trị đã đầu tư.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2018 mới công bố cho thấy, doanh thu toàn tổng công ty SBIC đạt 1.360 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2018 SBIC dự kiến doanh thu toàn tổng công ty 3.813 tỷ đồng, từ hoạt động đóng tàu chiếm 86%. Kế hoạch doanh thu công ty mẹ là 2.320 tỷ đồng, trong đó 99% từ hoạt động tài chính, lỗ dự kiến 2.885 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu tại 8 công ty con 2.835 tỷ đồng.

Như vậy, với kế hoạch kinh doanh này, SBIC mới chỉ thực hiện được 11% kế hoạch doanh thu công ty mẹ; trong khi lợi nhuân thực hiện chưa thống kê. Doanh thu toàn công ty thực hiện được 35% và doanh thu từ 8 công ty con thực hiện 33%.

Nhiều năm gần đây, SBIC liên tục báo lỗ trong hoạt động kinh doanh, đáng chú ý trong năm 2015 công ty lỗ nặng 4.700 tỷ đồng; năm 2017 số lỗ cũng là hơn 3.700 tỷ. Đồng thời doanh nghiệp này cũng đang nợ thuế hàng trăm tỷ đồng.

Nguyễn Khánh