Fica
  1. Doanh nghiệp

Trước “cơn lốc” điện thoại Trung Quốc, Samsung có động thái gây tranh cãi

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Samsung đặt kế hoạch thuê ngoài 1/5 số sản lượng smartphone của mình ở Trung Quốc trong năm tới nhằm cạnh tranh với các đối thủ sản xuất điện thoại giá rẻ, như là Huawei, và Xiaomi. Tuy nhiên, chiến lược này được dự báo khá rủi ro với gã khổng lồ đến từ Hàn Quốc.

Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của mình ở Trung Quốc từ hồi tháng 10, nhưng lại đang chuyển dây chuyền sản xuất dòng điện thoại Galaxy A sang các nhà thầu khác, như là Wingtech, vốn không nhiều tiếng tăm ở bên ngoài Trung Quốc.

Samsung từ chối tiết lộ về số lượng đơn hàng của mình cho các nhà máy Trung Quốc nhưng nhiều nguồn tin cho rằng “ông vua” trên thị trường smartphone dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 60 triệu điện thoại sản xuất ở Trung Quốc, hay còn gọi là ODM, trong năm tới, trong tổng số 300 triệu smartphone bán ra thị trường của mình.

Wingtech và các nhà ODM khác đang sản xuất điện thoại cho nhiều thương hiệu, trong đó có Huawei, Xiaomi và Oppo, giúp các hãng này giảm giá thành. Những nhà thầu này có thể phát triển và sản xuất những mẫu điện thoại giá rẻ với tốc độ nhanh chóng mặt.

Giới phân tích cho rằng chiến lược này của Samsung có thể để lại rủi ro khi mà không thể kiểm soát được chất lượng, và làm ảnh hưởng đến vai trò của các nhà máy sản xuất smartphone của mình. Động thái này cũng được cho là có thể giúp các đối thủ khi tạo cơ hội cho các nhà thầu tăng sản lượng để giảm giá thành cho tất cả các đối tác.

Trước “cơn lốc” điện thoại Trung Quốc, Samsung có động thái gây tranh cãi - 1

Dòng Galaxy A series đang được Samsung thuê ngoài sản xuất nhằm giảm giá thành để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Samsung không được phép để xảy ra vấn đề chất lượng tiếp theo sau những bài học về Galaxy Note năm 2016 và Galaxy Fold mới đây.

Tuy nhiên, khi mà biên lợi nhuận của các smartphone giá rẻ rất thấp thì một nguồn tin thân thiết với chiến lược của hãng này cho rằng hãng có ít lựa chọn khác ngoài việc sử dụng các ODM Trung Quốc để giảm giá thành.

“Đây đúng ra là một chiến lược không thể nào khác chứ không phải là một chiến lược tốt”, nguồn tin thân cận với Samsung tại Trung Quốc cho hay.

Trả lời báo chí, Samsung cho biết hãng đang sản xuất một số lượng giới hạn dòng smartphone ở bên ngoài nhà máy của mình nhằm mở rộng danh mục và “để đảm bảo việc quản lý hiệu quả trên thị trường”. Samsung từ chối tiết lộ có bao nhiêu smartphone của hãng sẽ được sản xuất bởi ODM, và chỉ nói rặng số lượng này trong tương lai vẫn chưa được xác định.

Wingtech cũng không phản hồi về thông tin trên.

Linh kiện giá rẻ

Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết các ODM có thể sản xuất tất cả các liên kiện cần thiết cho những mẫu smartphone giá 100-250 USD với giá rẻ hơn từ 10-15% so với các thương hiệu khác tự sản xuất ở các nhà máy ở Trung Quốc.

Một nhà cung ứng cho hay, Wingtech có thể có được các linh kiện với giá thấp hơn tới 30% so với số tiền Samsung phải trả ở các nhà máy ở Việt Nam.

Wingtech bắt đầu sản xuất máy tính bảng và smartphone cho Samsung từ năm 2017, với sản lượng chiếm khoảng 3% tổng smartphone của hãng. Con số này dự kiến sẽ đạt 8%, lên mức 24 triệu máy, trong năm nay, theo công ty phân tích thị trường IHS Markit.

Trước “cơn lốc” điện thoại Trung Quốc, Samsung có động thái gây tranh cãi - 2

Bên trong nhà máy Wingtech. 

Theo các nguồn tin, Samsung kế hoạch Wingtech bao thầu trong cả 2 việc thiết kế và sản xuất các dòng smartphone giá rẻ và tầm trung Galaxy A series. Các dòng điện thoại của Wingtech sản xuất chủ yếu được bán ở Đông Nam Á và Nam Mỹ. Samsung đang được hưởng lợi thế khi Huawei đang vấp phải lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Trong khi Samsung đang lo lắng để duy trì vị trí “ông vua” trên thị trường smartphone thì nhiều nhà phân tích tỏ ra ái ngại liệu hãng này có nên chấp nhận rủi ro để đổi lại lợi nhuận trên phân khúc smartphone giá rẻ.

“Điện thoại giá rẻ là bài toán đau đầu với Samsung”, ông CW Chung, giám đốc nghiên cứu của công ty Nomura ở Hàn Quốc, nhìn nhận. Việc Samsung tăng sản lượng cho ODM có nghĩa là họ sẽ cắt giảm được chi phí cho các đối tác khác, và cũng sẽ tăng kinh nghiệm cũng như trình độ cho họ. 

“Nếu công ty ODM trở nên cạnh tranh hơn thì các đối thủ của Samsung cũng sẽ cạnh tranh hơn. Samsung cũng sẽ mất đi tính chuyên nghiệp trong việc sản xuất smartphone giá rẻ, khiến hãng này gặp khó khăn khi cần lấy lại kinh nghiệm”.

“Cuộc chơi của sự tồn tại”

Ông Chung cho rằng sự dịch chuyển chiến lược này sẽ khiến Samsung giảm dần năng lực sản xuất của hãng, vốn từng là hãng sản xuất điện thoại giá rẻ và giờ là nhà sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp hàng đầu thế giới.

Đối thủ đến từ Mỹ là Apple cũng thuê ngoài sản xuất thiết bị của mình cho đối tác Foxconn (Đài Loan) tại các nhà máy ở Trung Quốc nhưng Apple vẫn thiết kế iPhone của hãng ở Mỹ.

Trả lời báo chí, Samsung khẳng định hãng sẽ vẫn tham gia vào việc giám sát thiết kế và sản xuất smartphone của mình từ các ODM. Hãng này cam kết áp dụng cùng các quy trình kiểm tra chất lượng của hãng với tất cả các dòng smartphone.

“Cắt giảm giá thành để duy trì sức cạnh tranh với Huawei và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc là một điều hết sức quan trọng”, một nguồn tin từ Samsung tiết lộ.

 Các hãng công nghệ khác đến từ Hàn Quốc cũng đang thực hiện chiến lược thuê ngoài. LG Electronics vốn đã nhiều năm thua lỗ trên thị trường smartphone cũng tiết lộ kế hoạch sẽ mở rộng dây chuyền ODM cho các dòng smartphone giá rẻ và tầm trung.

“Smartphone đang trở thành cuộc chiến của giá thành. Đây cuộc chơi của sự tồn tại”, Kim Yong-serk, một cựu giám đốc của ngành hàng di động Samsung, nói.

 Khôi Linh