Thêm 120 ngày để Huawei mua chip từ các công ty nước ngoài
Ngày 13/5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn lệnh cấm đối với Huawei thêm một năm, kéo dài đến tháng 5/2021, cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch, mua bán sản phẩm với Huawei.
Lệnh cấm này được chính phủ Mỹ ban hành lần đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái, đưa Huawei, ZTE và nhiều công ty khác của Trung Quốc vào “danh sách đen”, với các cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên căng thẳng (Ảnh minh họa)
Các quan chức Mỹ cho biết, họ nhận ra rằng lệnh cấm được ban hành vào năm ngoái chưa đủ mạnh đối với Huawei. Do đó, trong quyết định mới, chính phủ Mỹ đã cấm các hãng sản xuất chip và chất bán dẫn bên ngoài Trung Quốc đại lục (nhưng đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ) bán sản phẩm hoặc hợp tác với Huawei, ngoại trừ trường hợp được chính phủ Mỹ cấp phép.
Lệnh cấm này có thể ngăn chặn việc TSMC, công ty của Đài Loan, tiếp tục sản xuất chip theo đơn đặt hàng của Huawei. Hiện các thiết bị di động của Huawei đang sử dụng chip do chính Huawei thiết kế, nhưng lại do TSMC sản xuất. Do vậy, lệnh cấm mới của chính phủ Mỹ có thể khiến Huawei gặp không ít khó khăn trên thị trường di động khi không còn nguồn cung chip từ TSMC.
Như vậy, Huawei vẫn có thời hạn 4 tháng kể từ ngày 15/5, trước khi lệnh cấm mới có hiệu lực để tích góp đủ số lượng chip di động cần thiết, cũng như tìm ra nguồn cung thay thế TSMC.
TSMC là nhà sản xuất chip lớn thứ 3 thế giới, cung cấp chip cho Apple, Qualcomm… Trong đó, Huawei là khách hàng lớn thứ 2 của hãng này.
Trung Quốc sẽ trừng phạt Apple, Qualcomm, Cisco... để đáp trả
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, dẫn lời một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc, cho biết nước này đã sẵn sàng thực hiện một loạt các biện pháp để đáp trả lại lệnh trừng phạt mới của chính phủ Mỹ nhằm vào Huawei, bao gồm đưa các công ty của Mỹ vào danh sách “những thực thể không đáng tin cậy” để đưa ra các cuộc điều tra, hoặc áp đặt nhiều hạn chế hơn với các công ty này tại thị trường Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của chính mình, nếu Mỹ cấm các nhà cung cấp chip thiết yếu, bao gồm TSMC có trụ sở tại Đài Loan, bán chip cho Huawei”, nguồn tin của Thời báo Hoàn Cầu cho biết.
Nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ có thể gặp khó khăn khi bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt
Những công ty Mỹ đang lọt vào tầm ngắm của chính phủ Trung Quốc có thể kể đến Apple, Qualcomm, Cisco, Boeing… Đây đều là những công ty đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, sự biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty lớn của Mỹ sẽ là một “đòn đau” và gây ra nhiều thiệt hại cho các công ty này. Lý do là hiện tại Trung Quốc vẫn đang là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới và nếu các công ty Mỹ không thể bán được sản phẩm thì sẽ mất một nguồn doanh thu lớn; thậm chí, nhiều công ty có thể lâm vào khủng hoảng.
Chẳng hạn như Apple, tính riêng trong quý 1/2020, thị trường Trung Quốc đóng góp tới 14,8% tổng doanh thu của công ty, dù Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc là khu vực chính sản xuất các sản phẩm của Apple, nên nếu bị chính phủ Trung Quốc gây khó dễ, Apple cũng sẽ gặp không ít bất lợi.
Không chỉ các công ty lớn mà cả những công ty nhỏ tại Mỹ cũng đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu bị đưa vào danh sách “không đáng tin cậy” thì các công ty này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tuy nhiên, bà Wendy Cutler, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung cho rằng, việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ có thể gây ra “hiệu ứng ngược”, khi đẩy nhanh hơn nữa quá trình các công ty Mỹ chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm dần sự phụ thuộc vào quốc gia này.
T.Thủy
Theo The Verge/Global Times