Fica
  1. Doanh nghiệp

Tranh luận nảy lửa về định danh xe chạy hợp đồng điện tử: Sắp đến hồi ngã ngũ?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Quyết định thí điểm những xe chạy hợp đồng điện tử như Grab tại Việt Nam đã hết hiệu lực hơn 1 năm song những tranh luận xung quanh việc các doanh nghiệp này là kinh doanh vận tải hay công nghệ khá gay gắt. Tuy nhiên với nội dung mới nhất được đưa ra trong dự thảo thay thế Nghị định 86 thì vấn đề này có lẽ sắp đến hồi kết.

Grab2.jpeg

Vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về loại hình xe dịch vụ hợp đồng điện tử. Grab vẫn muốn được công nhận là loại hình xe công nghệ 

 

Tranh cãi lớn về việc định danh 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình lên Chính phủ bản Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Theo đó, với bản dự thảo được trình lên lần thứ 7 này, Bộ GTVT khẳng định sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như đối với taxi sau khi tiếp thu các ý kiến.

Mặc dù đến nay vẫn có những quan điểm khác nhau tuy nhiên, theo Bộ GTVT,quá trình thí điểm cho thấy phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là tương đối giống với xe taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…).

Vì vậy Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

Cũng trong Tờ trình báo cáo lên Chính phủ, Bộ GTVT nhấn mạnh việc lựa chọn phương án trên nhằm hướng đến việc “công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải…”.

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua đồng nghĩa với việc tranh luận xung quanh việc Grab, Goviet… là kinh doanh vận tải hay công nghệ sẽ đến hồi ngã ngũ.

Tranh cãi những doanh nghiệp như Grab là công ty vận tải hay hãng công nghệ bùng lên từ đầu năm 2016, khi Bộ GTVT ban hành quyết định 24 thí điểm Grab tại Việt Nam. Đến thời điểm này, quyết định thí điểm Grab… hoạt động tại Việt Nam đã hết hiệu lực hơn 1 năm nhưng việc định danh những doanh nghiệp như Grab vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Bản thân Grab luôn cho rằng họ là công ty công nghệ và không phải chịu ràng buộc các điều kiện như kinh doanh vận tải. Đây cũng chính là nguyên nhân bùng lên cuộc chiến nảy lửa giữa hãng này với giới taxi truyền thống.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam việc triển khai thí điểm theo Quyết định 24 có sự nhầm lẫn trong phân loại hình kinh doanh vận tải. Bởi theo Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải taxi là loại hình vận tải khách, trong đó hành trình đi theo nhu cầu của khách; tiền cước tính theo số km xe chạy. Với hình thức Grab đang kinh doanh hiện nay thì loại hình này đang đúng với tiêu chí kinh doanh vận tải chứ không phải ứng dụng công nghệ như họ lập luận.

Bình luận về Dự thảo thay thế Nghị định 86, TS. Vũ Hồng Trường (Trường Đại học GTVT) cho rằng tên gọi không quan trọng bằng nhận diện nội hàm. “Chúng tôi cho rằng đối với Uber, Grab bất luận như thế nào là hình thức kinh doanh vận tải, vì hội tụ 2 yếu tố: kinh doanh là gì, là kinh doanh giữa kẻ mua người bán để kiếm lời và dùng các phương tiện ôtô để chở khách”, ông Trường nói.

Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng Luật GTĐB cho hay, quy định có 5 loại hình vận tải gồm: Vận tải tuyến cố định, taxi, xe buýt, hợp đồng và du lịch. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 định nghĩa về kinh doanh vận tải như sau: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một số hoặc toàn bộ các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; trong đó có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: Trực tiếp điều hành phương tiện và lái xe để vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa, quyết định giá cước vận tải”.

“Từ định nghĩa này, những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam. Uber, Grab tham gia kinh doanh loại hình vận tải nào, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của loại hình vận tải đó”, ông Hùng cho hay.

Nhiều nước tính quản taxi công nghệ như taxi truyền thống

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã tỏ ra khá lúng túng khi “cơn lốc” xe công nghệ xuất hiện. Sau một thời gian “đắn đo”, một số nước cũng tính hướng quy định taxi công nghệ là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong đó có Singapore.

Hiện taxi công nghệ và taxi truyền thống đang được quản lý theo những cách khác nhau ở đảo quốc sư tử, dẫn tới không ít tranh cãi. Theo tin từ Bloomberg, mới đây Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) cho rằng cả hai dạng doanh nghiệp taxi này đều "cung cấp cùng một dịch vụ cơ bản là vận chuyển hành khách từ điểm này đến điểm khác", nhưng doanh nghiệp taxi truyền thống phải có giấy phép mới được hoạt động còn taxi công nghệ thì không.

Chính vì vậy, Singapore đang tính việc siết chặt kiểm soát các công ty ứng dụng gọi xe như Grab và Go-Jek, áp dụng các quy định tương tự như đối với các hãng taxi truyền thống, nhằm mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho cả hành khách và tài xế.

Trước đó vào tháng 12/2017, tòa Công lý châu Âu (ECJ) đã phán quyết xem Uber là một công ty vận tải. Việc coi doanh nghiệp Uber như một công ty vận tải được xem là bước đi giúp gia tăng các quyền lợi của tài xế Uber tại châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng.

Bởi một thực tế, nếu hoạt động như mô hình Uber, Grab họ sẽ không phải bận tậm đến mức lương tối thiểu và thu nhập phải trả vào ngày lễ cho các tài xế. Trong khi đó, nếu trở thành công ty kinh doanh vận tải, họ sẽ không thể ngó lơ việc này và quyền lợi của các tài xế theo đó sẽ được đảm bảo hơn.

Còn ở Việt Nam, với “ý định” quy định các doanh nghiệp như Grab, Go-Viet… là doanh nghiêoj kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đã nhận không ít ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ làm mất đi những ưu việt của mô hình này, thậm chí là gây khó, cản trở cho sự sáng tạo, phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh không hẳn như vậy.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, thị trường ứng dụng gọi xe xuất hiện thêm một doanh nghiệp mới – Be. Gây ngạc nhiên cho không ít người, be tuyên bố mình là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải thay vì “nhập nhằng” như một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực ra đời trước đó.

Theo đại diện hãng này, việc rõ ràng về tính pháp lý, chấp nhận đóng thêm 10% thuế VAT so với đối thủ xe công nghệ khác là một lợi thế, khác với suy nghĩ của nhiều người coi đó là bất lợi.

Đây là ứng dụng gọi xe đầu tiên tuyên bố mình là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong khi đang có rất nhiều tranh cãi về mô hình hoạt động này. Và xem cái cách họ hoạt động như chế độ đãi ngộ cho tài xế hay giá cước cạnh tranh thì có thể thấy, việc là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải không phải là điều gì bất lợi hay cản trợ sự cạnh tranh.

Ông Trần Thanh Hải, CEO be từng phát biểu tại lễ ra mắt ứng dụng: "Quan điểm cá nhân của tôi thì rõ ràng đây là dịch vụ vận tải. Lý do là bởi bản chất chúng ta đưa khách từ điểm A đến điểm B. Còn tất cả chuỗi công nghệ, những thứ mà chúng ta thường gọi là 4.0 chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn. Nó không đồng nghĩa với việc chỉ có các công ty công nghệ mới làm được vận tải 4.0 mà tất cả công ty vận tải đều có thể áp dụng công nghệ 4.0. Chúng ta áp dụng công nghệ 4.0 vào nhiều ngành nghề chứ không chỉ riêng vận tải.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc ứng dụng gọi xe “be” đăng ký kinh doanh là công ty vận tải là minh bạch hơn, qua đó các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo về việc định danh đúng đắn cho loại hình kinh doanh này.

Nguyễn Khánh